Cà phê có lợi hay có hại?

BÙI KIM SƠN (Theo NYT)| 27/10/2016 20:40

Cà phê, cái chất nước đắng được phát hiện tại Ethiopia từ thế kỷ thứ 9, nay đã trở thành thức uống quen thuộc trên toàn thế giới. Chỉ có điều, mặt lợi và mặt hại của nó, cho đến nay vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

Theo American Heart Association (AHA - Hiệp hội Tim mạch Mỹ) các nghiên cứu về mối liên hệ giữa cà phê và bệnh tim mạch vẫn còn đang xung đột nhau. Có cơ quan y tế, trong nhiều năm đã phân loại cà phê có thể gây ung thư, nay lại đảo ngược ý kiến, cho rằng các bằng chứng trong mối liên hệ giữa cà phê và ung thư là không đủ sức thuyết phục. Còn theo Trung tâm Hướng dẫn chế độ ăn uống của Mỹ, việc uống cà phê vừa phải thực sự có thể rất tốt cho sức khỏe, giảm được ngay cả các bệnh mãn tính.
Vậy rốt cuộc, cà phê có lợi hay có hại? Vì với nhiều người, một vài tách cà phê giúp đem lại cho họ sự tỉnh táo và hưng phấn làm việc. Nhưng cũng với rất nhiều người, chỉ một tách cà phê thôi cũng đủ làm cho họ mệt, tim đập nhanh, bồn chồn, lo lắng.
Mới đây, TS. Ahmed El-Sohemy tại Khoa Dinh dưỡng Đại học Toronto (Canada), được sự tài trợ của National Institutes of Health (Viện Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia, Mỹ), đã tìm được câu trả lời: lợi hay hại, tất cả đều nằm trong gen của mỗi người!
Nghiên cứu trên 4.000 người lớn, trong đó có khoảng 2.000 người đã từng bị một cơn đau tim, TS. El-Sohemy nhận thấy nơi những người mỗi ngày uống bốn tách cà phê hoặc hơn, có liên quan đến việc tăng 36 % nguy cơ đau tim. 
Vì vậy, ông nghi ngờ rằng có sự khác nhau giữa người này và người khác về mối quan hệ của cà phê và bệnh tim. Và ông đặc biệt nhắm vào một gen có tên CYP1A2, gen này điều khiển một enzyme cùng tên, nhờ vậy đã nhanh chóng xác định được cách thức mà cơ thể chúng ta phá vỡ chất caffeine.
Một biến thể của gen này đã giúp cho gan chuyển hóa caffeine một cách nhanh chóng. Nhưng lại có đến hai trường hợp chuyển hóa: chuyển hóa nhanh và chuyển hóa chậm. Những người thừa hưởng được hai bản sao chuyển hóa nhanh từ cha và mẹ, được gọi là những người chuyển hóa nhanh. Cơ thể họ chuyển hóa caffeine khoảng bốn lần nhanh hơn so với những người thừa kế một hoặc nhiều bản sao biến thể chậm của gen, được gọi là những người chuyển hóa chậm.
Vì vậy, nhóm 4.000 người tham gia chương trình nghiên cứu lại được chia thành hai nhóm: nhóm những người chuyển hóa nhanh và nhóm những người chuyển hóa chậm. Kết quả đáng chú ý khi nguy cơ đau tim chỉ xuất hiện nơi nhóm người chuyển hóa chậm, do caffeine có nhiều thời gian hành động hơn để kích hoạt đau tim. 
Còn nơi nhóm người chuyển hóa nhanh, một đến ba tách cà phê mỗi ngày, gần như là có tác dụng bảo vệ khỏi các cơn đau tim. Rõ ràng là caffeine được cơ thể họ đào thải nhanh chóng không để bị tác dụng phụ, chỉ cho phép thu nhập các chất chống oxy hóa, polyphenol và các hợp chất khác có lợi cho sức khỏe.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác về huyết áp tại Italia cũng cho thấy ngay cả việc uống cà phê vừa phải cũng làm tăng huyết áp nơi những người chuyển hóa chậm trong khi nơi những người chuyển hóa nhanh, lượng cà phê tiêu thụ càng tăng thì huyết áp lại càng giảm!
Một nghiên cứu khác về tác động của cà phê trên thể lực cho thấy các vận động viên có sức chịu đựng cao cũng là những người chuyển hóa caffeine nhanh. Nghiên cứu của GS. Christopher J. Womack tại Đại học James Madison (Mỹ) với các vận động viên môn xe đạp trên chặng đường 40 km, những người chuyển hóa chậm hoàn thành sớm hơn một phút nhờ có caffeine trong khi những người chuyển hóa nhanh sớm hơn đến bốn phút.
Như vậy, sự phát hiện lớn lao về mối liên kết giữa cà phê và di truyền học đã mở ra một lĩnh vực mới, các nhà khoa học đang nghiên cứu xem liệu các gen CYP1A2 và những gen khác có thể làm trung gian cho ảnh hưởng của cà phê trên các chứng ung thư vú, ung thư buồng trứng, bệnh tiểu đường loại 2 và thậm chí cả bệnh Parkinson.
Được biết, 40 % loài người mang bản sao chuyển hóa nhanh, 45 % mang một bản sao chuyển hóa nhanh và một bản sao chuyển hóa chậm, và 15 % còn lại mang hai bản sao biến thể chậm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà phê có lợi hay có hại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO