Cảnh giác bệnh cảm cúm và ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm

HỒNG DUNG| 11/01/2018 15:10

KHPT-Dịp cuối năm, công việc tất bật nên nhiều người ăn uống qua loa, sơ sài ở hàng quán, dễ  dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Thời tiết lại thất thường nên dễ mắc bệnh cảm cúm, đặc biệt ở người già và trẻ em. BS. Trần Văn Nho - khoa cấp cứu Bệnh viện đại học y dược TP.HCM  khuyến cáo về các loại bệnh này.

Tránh ngộ độc thực phẩm

Theo BS. Trần Văn Nho, các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường rất nặng ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nôn và đi ngoài nhiều lần sẽ bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân do vi khuẩn gây nên. Vì thế, phải lưu ý đến những dấu hiệu mất nước mà biểu hiện rõ nhất là nôn nhiều trên 5 lần, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, khô môi, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý ở người già hay bị mất nước nặng lại không kêu khát nước do tuổi cao làm mất cảm giác khát); mạch nhanh, thở nhanh, mệt lả, có thể co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, triệu chứng xuất hiện trễ qua ngày hôm sau. Trong những trường hợp đó, thường phải tìm thêm các chẩn đoán khác để loại trừ trước khi chẩn đoán là ngộ độc thực phẩm.

Để phòng ngừa, nên ăn uống thực phẩm rõ nguồn gốc, nên tự chế biến thực phẩm ở nhà, tránh ăn nhiều ở hàng quán, tránh ăn những món sống như tiết canh. Khi tham dự các buổi tiệc cuối năm nên uống tối đa từ 1 - 2 lon bia loại 330 ml/lon, đối với người có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, đối với người có bệnh mãn tính về gan, tiểu đường… không nên dùng.

Bệnh cảm cúm dễ mắc khi giao mùa và thời tiết thay đổi

Các triệu chứng điển hình ban đầu là ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi và đau họng, đôi khi kèm theo đau cơ, mệt mỏi, đau đầu và mất cảm giác ngon miệng. Đau họng xuất hiện trong khoảng 40% trường hợp mắc bệnh, ho ở khoảng 50%, trong khi đau cơ xảy ra ở một nửa trường hợp mắc bệnh. Nếu ho và sốt ở người lớn xảy ra thì khả năng mắc cúm là cao hơn, lưu ý giữa cảm lạnh và cúm khó phân biệt giữa các triệu chứng. Một số virus gây ra cảm lạnh, nhưng lại không xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng. Màu sắc của đờm hoặc tiết mũi thay đổi giữa xanh lá cây và vàng.

Cảm cúm gây ra do virus cảm cúm, thường gặp vào mùa lạnh, giao mùa. Hiện có nhiều chủng cúm khác nhau như loại: A, B, C, trong đó virus cúm A hoặc B thường gây bệnh cho người và lây lan rất nhanh. Một vài chủng cúm nguy hiểm như: cúm A/H1N1, H5N1, H7N9 có khả năng gây tử vong cao. Tuy nhiên, những chủng cúm này hiếm khi lây từ người sang người.

Bệnh cúm thông thường chỉ diễn ra từ 1 - 2 tuần nhưng gây ra cho bệnh nhân rất nhiều mệt mỏi cho cơ thể, ảnh hưởng tới cuộc sống. Biểu hiện bệnh diễn tiến nhanh là ho, đau họng, đột ngột sốt cao 39 - 400C kèm theo rét run, nhức đầu, choáng váng, buồn nôn, đau nhức mỏi toàn thân, đau cơ bắp và khớp. Bệnh cúm không điều trị kịp thời dễ biến chứng viêm phế quản, viêm phổi và nguy hiểm tính mạng.

Cảm lạnh là một bệnh về đường hô hấp nhẹ hơn cúm, thường do một số siêu vi thông thường đường hô hấp gây ra. Dấu hiệu đầu tiên thường là đau họng, có thể biến mất sau 1 - 2 ngày. Sau đó người bệnh có biểu hiện chảy nước mũi, tắc mũi, cộng với ho. So với cúm dịch, chứng cảm lạnh thông thường có diễn biến chậm hơn và không bị biến chứng vào phổi.

Phòng ngừa bệnh bằng cách giữ ấm cho cơ thể, uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ, rau củ chứa vitamin C. Các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh như người mắc bệnh tiểu đường, có bệnh lý về gan… nên tiêm ngừa cúm hàng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác bệnh cảm cúm và ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO