Ca ghép thận thứ 400 - Thắp lên những hy vọng sống

Hồng Lam| 17/12/2018 14:39

KHPTO - Ngày 30/11 vừa qua, Bệnh viện quân y 103 (Học viện quân y) đã thực hiện thành công ca ghép thận thứ 400, sau 26 năm (1992 - 2018) ca ghép thứ nhất mở đầu cho chuyên ngành ghép thận tại Việt Nam.

Dấu mốc quan trọng này đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế, những người thầy thuốc quân đội. Từ đó đến nay, ghép thận trở thành một hoạt động thường quy của Bệnh viện, đã và đang thắp lên niềm tin, hy vọng sống cho những người mắc bệnh hiểm nghèo.

Cặp ghép thận thứ 400 của Bệnh viện quân y 103 là trường hợp anh Lê Khả T (52 tuổi) cho thận con trai Lê Khả P (19 tuổi) ở tỉnh Hải Hương. Cháu P mắc bệnh suy thận mãn độ 3, điều trị bằng phương pháp lọc máu chạy thận trung bình 3 lần mỗi tuần. Được biết đến kỹ thuật ghép thận của Bệnh viện, anh Lê Khả T rất tin tưởng và quyết định cho con 1 quả thận với mong muốn con được sống khỏe hơn. Chỉ sau 2 giờ đồng hồ, ca mổ đã thành công.

gap_than_2

Từ đây, cháu P sẽ có sức khỏe tốt hơn nhiều so với trước khi ghép thận giống như bao trường hợp đã được thực hiện thành công ở Bệnh viện này. Hầu hết những người được nhận thận đều trở về với cuộc sống tốt hơn, bởi trước khi ghép thận, họ gần như tàn phế, không làm lụng được gì. Minh chứng cho điều đó có thể kể đến một trường hợp ghép thận của hơn 20 năm trước, từ một người tàn phế anh đã sống khỏe mạnh, tham gia thi đấu Olympic thể thao thế giới dành cho người ghép thận, có người phấn đấu trong công việc trở thành chủ tịch, bí thư của một huyện. Có người trở thành doanh nhân thành đạt, có người sinh con bình thường và có một gia đình hạnh phúc…

Thiếu tướng, PGS,TS. Hoàng Mạnh An, nguyên giám đốc Bệnh viện Quân y 103 cho biết: Nếu mỗi ca ghép thận vào những năm 1992 thường kéo dài 6 đến 7 giờ đồng hồ, thì đến nay, chỉ mất 2 giờ. Đối với người cho thận thì đây chỉ là cuộc mổ bình thường, sau mổ 7 ngày đã có thể xuất viện và cuộc sống trở lại bình thường. Với người được nhận thận cũng phục hồi rất nhanh, chỉ từ 10 - 12 ngày là có thể xuất viện và định kỳ đến Bệnh viện kiểm tra, theo dõi, dùng thuốc. Thời gian sau giãn dần ra 3 tháng, 6 tháng đến kiểm tra. Chỉ tính riêng từ tháng 12 năm 2017 đến nay, Bệnh viện quân y 103 đã thực hiện thành công 100 ca ghép thận. Số ca ghép này bằng 1/3 tổng số ca của 25 năm trước đó. Kỹ thuật ghép thận và chăm sóc sau mổ ngày càng được cải tiến.

gap_than_3

Thiếu tướng, PGS,TS. Hoàng Mạnh An khẳng định: “Chúng tôi tự hào là đơn vị đi tiên phong trong sự nghiệp ghép tạng của Việt Nam. Tất cả các ca ghép tạng đầu tiên trên người tại Việt Nam đều được thực hiện tại Bệnh viện quân y 103. Vì thế, trong tương lai, Trung tâm ghép tạng của Bệnh viện quân y 103 sẽ được thành lập để tiếp tục phát triển và đẩy mạnh sự nghiệp ghép tạng này. Ngoài chuẩn bị về mặt con người, trang bị tốt về các phương tiện và điều kiện vật chất thì chúng tôi sẽ còn quan tâm tới việc vận động những người tham gia hiến tạng, đặc biệt nguồn cho là người chết não”.

Một ngày, số người bị tai nạn giao thông, số người bị đột quỵ hoặc một vài bệnh khác có thể hiến tạng khi chết não là rất lớn. Nhưng làm thế nào để gia đình và thân nhân của họ đồng cảm với những người khác về mặt bệnh tật, đồng ý cho thân nhân của mình được phép hiến tạng khi chết não là việc không chỉ của đội ngũ y bác sỹ mà cần có sự chung tay của toàn xã hội. Và những người bệnh hiểm nghèo sẽ có thêm những niềm tin, hy vọng sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ca ghép thận thứ 400 - Thắp lên những hy vọng sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO