Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp 2017

Anh Thư| 17/04/2017 15:36

KHPTO - Ngày 15/4, Trường đại học kinh tế - luật (ĐH quốc gia TP.HCM) đã phối hợp với Trường đại học quản trị Paris tổ chức Hội thảo toàn quốc “Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp 2017” tại TP.HCM.

Những thách thức lớn của doanh nghiệp Việt Nam

Theo phân tích của GS.TS. Nguyễn Thị Cành, ThS. Đào Thị Ngọc, Trường đại học kinh tế luật TP.HCM, kinh tế Việt Nam đã có những điểm khởi sắc ở năm 2015, nhưng có biểu hiện chậm lại ở năm 2016; triển vọng năm 2017 tốc độ tăng trưởng kinh Việt Nam theo các dự báo có thể đạt từ 6,2% đến 6,7%. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào yếu tố vốn, dù năng suất lao động được cải thiện, nhưng còn thấp so với các nước trong khu vực, các yếu tố vĩ mô chưa thật ổn định, nợ công cao. Vị thế của kinh tế Việt Nam trong các nước AEC đứng thứ 6 về quy mô GDP và thứ 4 về tốc độ tăng trưởng.

PGS.TS. Nguyễn Văn Luân, Trường đại học kinh tế luật TP.HCM đánh giá, năm 2016, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước không thuận lợi, có nhiều khó khăn, mức tăng trưởng 6,21% được ghi nhận là thành công. Năm 2017 được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức tác động tới nền kinh tế; sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới, xu hướng quan hệ kinh tế thương mại giữa các nước theo chiều hướng bảo hộ sẽ ảnh hưởng nhiều mặt tới sự phát triển kinh tế của đất nước. PGS.TS. Nguyễn Văn Luân cho rằng: “Những thách thức lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là phải đối đầu với áp lực của hội nhập, áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, áp lực của sự biến đổi khí hậu. Hội nhập quốc tế một mặt mở ra cơ hội, mặt khác tạo ra những thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp”.

Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, TS. Nguyễn Thanh Trọng, Trường đại học kinh tế luật TP.HCM đề nghị. Theo TS. Trọng, các hành vi phản cạnh tranh, hợp tác, thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường, ngăn cản gia nhập hoặc loại bỏ đối thủ cạnh tranh tiềm năng,… diễn ra khá phổ biến trong nền kinh tế Việt Nam. Những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, hình thành cartel, các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thông qua hiệp hội ngành nghề ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh và lợi ích chính đáng của các chủ thế tham gia thị trường, song những thỏa thuận, sự liên kết, hợp tác này vẫn diễn ra trong nhiều ngành và đã không được kiểm soát hiệu quả. Việc sáp nhập, liên kết giữa các DNNN đã đặt ngoài sự điều chỉnh của pháp luật và sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh trong nền kinh tế. Điển hình cho những biểu hiện này trong thời gian qua như: hiệp hội mía đường đề xuất nhà nước không cho nhập khẩu đường, hiệp hội truyền hình trả tiền kiến nghị hạn chế cấp phép kinh doanh cho các doanh nghiệp mới và quy định giá sàn cung cấp dịch vụ truyền hình,…

Không chỉ riêng với khu vực DNNN, một số lĩnh vực kinh doanh do khu vực kinh tế tư nhân chi phối như ngành công nghiệp ô tô, sữa,… hoặc những ngành có sự tham gia của cả khu vực tư nhân và khu vực nhà nước như ngành thép, mía đường, bảo hiểm,… các doanh nghiệp cũng có khuynh hướng và biểu hiện thỏa thuận, hợp tác với nhau hạn chế cạnh tranh, duy trì khả năng thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp trong ngành bằng thoả thuận tập thể thông qua hiệp hội ngành, nghề kinh doanh.

Làm gì để tồn tại trong một thế giới biến đổi?

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận xét, trong “thế giới phẳng” vẫn còn không ít “gồ ghề”, tính bất định, và cùng với nó là rủi ro gia tăng. Các cú sốc diễn ra thường xuyên hơn (sốc giá; sốc do đảo chiều dịch chuyển vốn; sốc do việc áp dụng các hàng rào bảo hộ kỹ thuật; sốc do khủng hoảng; sốc do thay đổi đột ngột chính sách…). Kết cục là cùng với cạnh tranh khốc liệt, cuộc chơi trên thị trường không phải lúc nào cũng chỉ đem lại chiến thắng cho doanh nghiệp. Trong một thế giới đầy biến động và đã thay đổi hết sức sâu sắc, hiện thực hóa cái nghiệp của doanh nhân đòi hỏi tinh thần không ngừng học hỏi, sáng tạo trên rất nhiều khía cạnh.

Một là học tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Cơ hội kinh doanh, thị trường mở rộng (cả chiều ngang và chiều sâu) dựa trên lợi thế so sánh và cam kết hội nhập đã và sẽ ký kết. Cơ hội cũng có thể xuất hiện nhờ xác định đúng năng lực (cả năng lực kết nối) trong mạng sản xuất, chuỗi giá trị, và cả trong nắm bắt sự xuất hiện nững lĩnh vực, ngành nghề mới (công nghiệp “xanh”; dịch vụ gắn với e-commerce,…).

Hai là học kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cần được tiếp cận lại theo nhiều góc độ. Quan trọng là biết chuyển dần từ cách cạnh tranh “bằng giá” sang chú trọng cạnh tranh “phi giá”. Cạnh tranh không loại trừ việc học kết nối trong một thế giới với rất nhiều mạng sản xuất, chuỗi giá trị. Liên kết với công ty đầu đàn, tham gia chuỗi giá trị có thể tăng lợi thế nhờ qui mô, phát huy tốt hơn lợi thế so sánh, giảm phí tổn kết nối dịch vụ. Kết nối còn tạo thêm điều kiện vươn lên trong chuỗi giá trị.

Ba là học cách huy động vốn. Trước hết là tạo khả năng tiếp cận vốn hiện được chu chuyển rộng khắp, trên phạm vi toàn cầu, và thường chịu sự chi phối của các NHTM, quĩ đầu tư, và các tổ chức tài chính khác. Tại nhiều nước đang phát triển, nhà nước cũng là nhà đầu tư rất lớn (ở Việt Nam, đầu tư nhà nước chiếm tới 35% tổng đầu tư xã hội).

Bốn là học quản trị sụ bất định thông qua việc hiểu và sử dụng hiệu quả các công cụ phòng chống rủi ro, “biến cái bất định thành cái xác định” (như công cụ phái sinh; bảo hiểm). Nhận thức và đảm bảo đầy đủ yêu cầu tiêu chuẩn, các hàng rào kỹ thuật (nhất là tại các thị trường phát triển) cũng là một cách hạn chế rủi ro đối với các nhà xuất khẩu. Nắm bắt mức độ bất ổn kinh tế vĩ mô để có thể tiên liệu về thay đổi chính sách (sốc chính sách) là cơ sơ cho những điều chỉnh chỉnh bộ phận hay điều chỉnh tổng thể chiến lược kinh doanh.

Năm là học đồng hành với Chính phủ. Hiểu thông tin cam kết hội nhập là chưa đủ; cần nắm bắt cả những chính sách, cải cách hiện hành và sắp tới của chính phủ. Các FTA hiện nay (như TPP, VN-EU FTA) có rất nhiều đòi hỏi cao đối với các chính sách “sau đường biên giới/trong nền kinh tế”). Thực tiễn kinh doanh cũng là một cơ sở “đắt giá” để chính phủ có cam kết hội nhập, có chính sách thích hợp hơn. Và điều đó đòi hỏi phải có những trao đổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa doanh nghiệp, hiệp hội với chính phủ. Ngoài ra, Nhà nước còn có thể có những chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nhất là các SMEs. Nhà nước và doanh nghiệp là bạn đồng hành.

Sáu là học“đối thoại pháp lý”. Tranh luận và thực thi đảm bảo hợp đồng kinh doanh và quyền lợi doanh nghiệp dựa trên cơ sở và thủ tục pháp lý phải là một phần không tách rời của đời sống doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng dựa trên các cam kết và chuẩn mực quốc tế. Điều đó chỉ có thể đạt đươc nhờ không ngừng nâng cao hiểu biết và khả năng vận dụng cơ sở pháp lý cũng như cơ chế, qui trình giải quyết tranh chấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO