Bùa chú của người Khmer Nam bộ dưới góc nhìn văn hóa

08/06/2015 10:14

KHPTO - Có mặt rất sớm trong “hành trang” của cư dân Khmer khi đến cư trú ở vùng đất Nam bộ, thuật bùa chú là một trong những hình thức thể hiện tri thức dân gian của người Khmer về mặt tâm linh trong ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Theo ghi chép của Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Hầu và một số học giả khác, vào nửa đầu thế kỷ XX, bùa chú của người Khmer vẫn còn được thực hành rất phổ biến tại nhiều nơi ở Tây Nam bộ như: Thất Sơn Bảy Núi, Sóc Trăng, Trà Vinh.

Có thể hiểu, thuật bùa chú của người Khmer là những hành vi được thực hiện bởi nghi lễ mang tính tôn giáo, tín ngưỡng bản địa kết hợp với một số cách thức nhất định tác động lên vật trung gian (nước, dầu, một số cây cỏ, tóc đanh (tóc bị xơ cứng, rối và bện chặt lại như dây thừng), kà tha (một miếng chì mỏng được cuộn và cột lại bằng chỉ năm màu), sraymoc (một loại sáp do thầy bùa tự chế tạo bằng những vật liệu bí truyền) hoặc các loại vật dụng khác...) tạo nên quyền năng đặc biệt nhằm đạt mục đích mà con người đặt ra từ trước.

Vài thập kỷ trước, khi mà hiểu biết đối với sự tác động của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội vẫn còn ít nhiều hạn chế, lại thêm tập quán quần cư co cụm trong các phum (bhumi), sóc (sork), ít giao tiếp với xã hội bên ngoài, thực hành bùa chú diễn ra thường xuyên, phổ biến trong cộng đồng người Khmer. Họ thực hành bùa hộ thân, trị bệnh bằng cách kết hợp nghi thức tín ngưỡng (rảy nước thánh lấy từ bàn thờ tổ hoặc huơ nhang vào người bệnh) với những phương thuốc dân gian; bùa trấn áp tà ma bằng cách đeo những sợi chỉ đã làm phép vào cổ của thai phụ để đứa bé sinh ra được an toàn mà không bị ma quỷ quấy nhiễu; bùa tạo nên sự đoàn kết, hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình; hoặc thậm chí là bùa dục tình khi lấy một thứ sáp tự chế của thầy bùa rồi thoa lên tóc mỗi khi tiếp xúc với đối tượng để tạo cảm tình...

Những hành vi ấy, ngoài mục đích phục vụ cho nhu cầu đời sống thực tại thì, một mặt phản ánh nhận thức mang tính ảo tưởng của cộng đồng cư dân bản địa về việc có thể điều hành và chi phối sự vận động của thế giới thực tại; mặt khác, nó thể hiện sự quan tâm của người Khmer đến các mối quan hệ xã hội hơn là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.

Ngày nay, trình độ dân trí được nâng cao, sự tiến bộ xã hội, các mối quan hệ giao tế... đã góp phần giải phóng con người thoát khỏi lối tư duy cảm tính, giản đơn; cho con người có cơ hội kiểm chứng tính hiệu quả của bùa chú. Thế nhưng, không vì vậy mà việc thực hành bùa chú bị loại bỏ hoàn toàn khỏi đời sống của người Khmer cũng như cộng đồng người dân Nam bộ. Thật vậy, khi đến viếng các chùa của người Khmer ở Nam bộ, vẫn có những trường hợp xin bùa phục vụ cho mục đích tốt như bùa may mắn, bùa sức khỏe...

Đó là chưa kể những trường hợp tìm đến các thầy bùa “nghiệp dư” bên ngoài. Người đến xin bùa có thể khác nhau về ngành nghề, độ tuổi, trình độ, giới tính hay dân tộc... nhưng đều giống nhau ở chỗ họ tìm đến bùa chú khi đang rơi vào những tình cảnh nan giải (vấn đề kinh tế, sức khỏe...), khi đối mặt với những áp lực tâm lý và xã hội (sự bất hòa về các mối quan hệ), khi có nhu cầu giải tỏa sự căng thẳng xúc cảm (giận dữ, phẫn uất về sự việc hay đối tượng nào đó). Điều này cũng có nghĩa là, người ta tìm đến bùa chú không hoàn toàn chỉ vì sự mù quáng hay do hạn chế về trình độ tri thức; và, thuật bùa chú không đơn thuần là hành vi mê tín. Ở khía cạnh tâm lý, có thể nói bùa chú như “giải pháp tâm lý” nhất thời làm xoa dịu, trấn an tinh thần, giải tỏa sự bất lực khi con người đối mặt với các biến cố trong cuộc sống thường nhật; và thực hành bùa chú như một phương thức giải quyết ôn hòa những xung đột mang hướng tiêu cực, giúp con người củng cố niềm tin vào kết quả khả quan đạt được trong tương lai gần.

Việc cộng cư, giao lưu và ngày càng mở rộng không gian sống của người Khmer với các cộng đồng dân tộc khác tạo nên tâm lý “bắt chước”, “lây lan” cho cộng đồng Nam bộ trong việc tin tưởng, sử dụng và thực hành bùa chú. Song, sự “bắt chước” và “lây lan” đó vẫn ở trong mức độ có thể chấp nhận được chứ không quá mang màu sắc huyễn hoặc; nói cách khác, trong chừng mực nhất định, thuật bùa chú của người Khmer vừa như một hiện tượng tín ngưỡng dân gian, lại vừa như một giải pháp tâm lý mang đậm dấu ấn tri thức bản địa.

Vậy nên, dù bùa chú và thuật bùa chú không mang lại hiệu quả như mong muốn, nhưng một cách vô thức, nó đã góp phần xoa dịu một tinh thần đang khủng hoảng, trĩu nặng khi đứng trước những tình huống nan giải, những lo âu cuộc sống của con người. Với những đóng góp như thế, nên đến nay bùa chú của người Khmer vẫn chưa có một hồi kết cuối cùng ắt là điều dễ hiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bùa chú của người Khmer Nam bộ dưới góc nhìn văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO