Bộ trưởng GD&ĐT: Mọi cụm thi đều phải bình đẳng và nghiêm túc

(Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)| 28/06/2016 09:41

Chỉ còn vài ngày nữa là các em học sinh lớp 12 cả nước bắt đầu bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2016. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí về những vấn đề liên quan, đặc biệt là những việc thí sinh phải chuẩn bị cho kỳ thi này.

Không "khoán trắng" cho cụm thi địa phương

Thưa Bộ trưởng, hiện nay vẫn có ý kiến cho rằng các cụm thi do các trường đại học (ĐH) chủ trì tại các thành phố lớn sẽ làm chặt hơn các cụm thi do địa phương chủ trì, tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm về ý kiến này?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Để bảo đảm công bằng từ việc coi thi, xử lý các tình huống trong kỳ thi và chấm thi, Bộ đã chỉ đạo các trường ĐH, các Sở GD&ĐT phải tăng cường cán bộ hỗ trợ. Tại những vùng có điều kiện hết sức khó khăn như miền Trung, Tây Nguyên, chúng tôi cũng đã có kế hoạch tăng cường cán bộ hỗ trợ trong quá trình tổ chức thi.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ về công tác tổ chức thi ở mọi địa phương là mọi hội đồng và mọi cụm thi phải khách quan, nghiêm túc như nhau; không có sự phân biệt  giữa cụm do Sở GD&ĐT tổ chức và cụm do các trường ĐH tổ chức. Đặc biệt, Bộ cũng tăng cường hỗ trợ những cụm thi do Sở GD&ĐT tổ chức lần đầu.

Tôi khẳng định không có chuyện cụm thi do Sở tổ chức thì “nhẹ tay” còn cụm thi do các trường ĐH tổ chức thì “chặt tay” hơn. Tất cả đều phải bình đẳng và nghiêm túc.

Năm nay là năm đầu tiên các địa phương chủ trì cụm thi, thí sinh giảm được việc đi lại nhưng cán bộ lại phải di chuyển nhiều hơn. Vậy, làm thế nào để bảo đảm an toàn mọi mặt cho cán bộ coi thi, bài thi… ở các địa phương, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chúng tôi cũng đã lường trước những tình huống này. Vì thế, công tác di chuyển của cán bộ coi thi đã được Bộ quan tâm. Theo đó, Bộ đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở GTVT hỗ trợ việc đi lại cho thầy cô, thí sinh đến các điểm thi. Ban Chỉ đạo thi các tỉnh đều yêu cầu Sở Công an có phương án bảo đảm an toàn cho giám thị trong quá trình tổ chức thi tại địa phương. Việc đưa bài thi về nơi chấm thi cũng được cơ quan công an hỗ trợ bảo đảm an toàn.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Ban Chỉ đạo và Hội đồng thi trong quá trình chấm thi phải có trách nhiệm kiểm tra chéo nhằm tránh tình trạng tự trong nội bộ “nhẹ tay”.  Đồng thời, để khách quan, công bằng trong chấm thi, barem chấm cho điểm đến 0,25 để tất cả giáo viên đều hiểu và chấm theo thang điểm như nhau.

Chúng tôi cũng chỉ đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đưa phần mềm minh bạch nhằm khắc phục tình trạng giáo viên có thể chấm điểm cận dưới, cận trên khác nhau, nhất là ở những môn khoa học xã hội. Đó là giải pháp nhằm đảm bảo chính xác công bằng cho thí sinh, không phân biệt các thí sinh để xét tuyển ĐH, CĐ, hay thí sinh chỉ xét tốt nghiệp.

Năm nay số cụm thi tăng lên, dư luận lo ngại không đủ giáo viên chấm thi cũng như trình độ giáo viên không đồng đều có thể dẫn tới chuyện "chấm lỏng, chấm chặt"?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tôi xin khẳng định không để xảy ra tình trạng đó. Vì như tôi đã nói ban đầu, trong các cụm thi và các địa bàn thi, Bộ đều đã tăng cường giáo viên, không “khoán trắng” cho địa phương và các trường. Tại một số địa phương chúng tôi đã phải tính tới việc đổi, chấm chéo. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng chấm chặt, chấm lỏng rồi cả tính địa phương trong chấm thi.

Thí sinh nắm vững kiến thức chắc chắn sẽ tốt nghiệp

Thưa Bộ trưởng, đề thi có phân biệt phần nào để xét tốt nghiệp, phần nào để xét tuyển ĐH, CĐ không?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đề thi có sự phân hóa, từ cơ bản đến khó và rất khó. Việc xét tuyển hoặc xét tốt nghiệp phụ thuộc vào bảng điểm.

Ví dụ, theo quy định thang điểm 10 thì đạt 5 điểm là đỗ tốt nghiệp. Để xét tuyển ĐH, CĐ đòi hỏi cao hơn và ngưỡng xét tuyển tùy theo từng trường. Có những trường lấy điểm rất cao, nhưng lại có những trường lại lấy thấp hơn vì còn tùy thuộc vào số lượng thí sinh nộp đơn xét tuyển.

Về nguyên tắc, đề thi năm nay có sự phân hóa rất rõ và những học sinh chỉ học những kiến thức cơ bản sẽ đỗ tốt nghiệp.

Với những thí sinh vùng cao, vùng sâu vùng xa, những vùng bị coi là “điểm nóng” của những năm trước thì Bộ tăng cường hỗ trợ, giám sát thế nào?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Trước hết, các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp đi các địa bàn vùng sâu, vùng xa để vừa kiểm tra vừa có thể hỗ trợ địa phương nếu khó khăn phát sinh.

Các báo cáo nhận được cho thấy, các cụm thi ở địa phương đều đặt ở trung tâm huyện nên điều kiện cơ sở vật chất cơ bản là tốt. Còn ở các cụm thi ĐH đều tổ chức ở các thành phố nên không có lo lắng về cơ sở vật chất.

Kỳ thi THPT năm nay có thuận lợi là thí sinh ít phải di chuyển. Thí sinh ở tỉnh nào thi ở tỉnh đấy, giúp giảm chi phí cho gia đình, thí sinh.

Do những năm gần đây xuất hiện việc sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại nhằm gian lận trong thi cử, vì thế chúng tôi cũng đã lưu ý các cụm thi, điểm thi cần chủ động phát hiện xử lý nếu xảy ra vi phạm quy chế thi.

Bộ trưởng đặt kỳ vọng gì ở kỳ thi này?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là công việc yêu cầu phải đảm bảo được đúng quy chế của kỳ thi. Do đây cũng không phải là chuyện quá mới nên chúng tôi không đặt vấn đề kỳ vọng. Tôi hy vọng kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng với sự chuẩn bị của các cấp ngành, các hội đồng thi, các thầy cô.

Với các thí sinh, tôi rất mong các em tự tin, đừng coi chuyện thi cử lần này là chuyện quá to tát. Các em cứ bình tĩnh trong khi làm bài thi với tất cả sự cố gắng của mình để đạt kết quả tốt nhất. Tôi nghĩ mọi việc sẽ tốt đẹp.

Chúc các em làm bài thi thật tốt để khẳng định được khả năng của mình sau những năm tháng miệt mài học tập, tu dưỡng.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyệt Hà (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng GD&ĐT: Mọi cụm thi đều phải bình đẳng và nghiêm túc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO