Bộ giáo dục và đào tạo sẽ hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp giai đoạn 2021 - 2025

ANH THƯ| 17/10/2020 13:18

KHPTO - Theo thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ, sau 5 lần tổ chức thực hiện và từng bước điều chỉnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã hoàn thành mục tiêu: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

Riêng năm 2020, dịch bệnh Covid-19 thúc đẩy quá trình “biến nguy thành cơ”, ngành giáo dục đã kịp thời thích ứng, quản lý sự thay đổi, từ quản lý chương trình học đến quản lý kỳ thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chuyển giao cho địa phương chịu trách nhiệm toàn diện các khâu của tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế, hướng dẫn, ra đề thi, xây dựng phần mềm quản lý thi, chấm thi trắc nghiệm và công tác thanh tra, kiểm tra.

Nhấn mạnh quan điểm “vất vả cho người lớn nhưng thuận lợi cho học sinh” của Bộ GD&ĐT từ khi bắt đầu triển khai đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề cao nỗ lực của những cá nhân, đơn vị đóng góp vào thành công của kỳ thi. Trong đó bao gồm trách nhiệm và nỗ lực của địa phương, cán bộ, giáo viên và sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ ngành.

Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại như quá trình chuẩn bị và tổ chức thi hiện nay còn có sự tham gia của nhiều người; một số nơi địa bàn rộng, tổ chức thi gặp nhiều khó khăn; công tác tổ chức có những thay đổi, điều chỉnh nhất định hàng năm nên phụ huynh, học sinh chưa thực sự yên tâm. “Vì vậy, tới đây, phải tạo sự ổn định, mọi công tác phải triển khai sớm, từ định hướng phương thức thi tới ban hành quy chế thi, văn bản hướng dẫn, công bố đề tham khảo...”, thứ trưởng đề nghị.

Ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm 2020, công tác tổ chức thi đã chắt lọc, kế thừa tất cả thành tựu giai đoạn trước đó, vừa đúng luật vừa phù hợp thực tiễn. “63 địa phương đã làm hết trách nhiệm và rất sáng tạo, đảm bảo mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn kỳ thi vừa an toàn trong dịch bệnh”. Ông Trinh ghi nhận và cho rằng, sự phối hợp giữa các bên cùng năng lực tổ chức thi của các địa phương gia tăng là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức kỳ thi giai đoạn tới đây.

Tổng kết giai đoạn thi từ 2015 - 2020, ông Mai Văn Trinh đúc rút 3 bài học căn bản, đó là: kiên định mục tiêu, vốn là thử thách lớn nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; đảm bảo nguyên tắc về tính khoa học, thực tiễn và khả thi; phân định trách nhiệm của từng tổ chức cá nhân. “Thành công này mới chỉ là ban đầu. Chúng ta duy trì tâm thế này, quyết tâm này, trách nhiệm này, mới có thể làm tốt trong những năm tiếp theo”, cục trưởng Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Định hướng kỳ thi giai đoạn 2021 - 2025 cần được tính toán từng bước để chủ động thực hiện, tăng cường khắc phục lỗi kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn. Phương thức thi căn bản ổn định như năm 2020, đặc biệt, năm 2021 ổn định như năm 2020; đồng thời nỗ lực điều chỉnh kỹ thuật tốt hơn, đảm bảo không ảnh hưởng tới học sinh, giáo viên và xã hội.

Trong đó, cần thực hiện hai nhiệm vụ lớn là tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi phong phú, chuẩn hóa để sử dụng hiệu quả hơn nữa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng đưa dần hình thức thi trên máy tính vào kỳ thi. Hình thức thi trên máy tính đồng thời với việc khai thác các trung tâm khảo thí quốc gia, khai thác các trường đại học và các tổ chức, cá nhân có đủ nguồn lực để hình thành trung tâm khảo thí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ giáo dục và đào tạo sẽ hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp giai đoạn 2021 - 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO