Biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại TP.HCM

N.Hoa| 25/11/2016 15:00

KHPTO - Hiện tượng tâm lý khủng hoảng tuổi về hưu (KHVH) đã được mô tả khá toàn diện trong rất nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn chưa nhấn mạnh vào khía cạnh biểu hiện tâm lý tạo nên sự khủng hoảng ở người cao tuổi (NCT).

PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn, TS. Nguyễn Thị Tứ, Trường đại học sư phạm TP.HCM đã phân tích biểu hiện KHVH ở NCT tại TP.HCM dựa trên kết quả khảo sát ở các mặt biểu hiện: mặt bản ngã, tài chính, cuộc sống hôn nhân, mối quan hệ với con cháu, thú vui/sở thích các mối quan hệ sơ giao, và sức khỏe. Nghiên cứu biểu hiện KHVH ở NCT tại TPHCM được tiến hành trên 135 NCT đã về hưu tại TP.HCM từ các quận huyện, gồm: Quận 3, Quận 5, Quận 1, Hóc Môn, Củ Chi và câu lạc bộ NCT tại TPHCM và Câu lạc bộ dưỡng sinh TPHCM.

Sự tiếc nuối về cuộc sống trong quá khứ

Kết quả nghiên cứu cho thấy các biểu hiện KHVH ở NCT về mặt bản ngã có điểm trung bình (ĐTB) thuộc từ mức độ hiếm khi đến thường xuyên. Trong đó, các biểu hiện có ĐTB thuộc mức thường xuyên là “Tôi ước gì mình đã cố gắng hơn để có cuộc sống khi về hưu tốt hơn và được mọi người tôn trọng hơn” và “Tôi cho rằng giá như khi còn trẻ, tôi dành nhiều thời gian để chăm sóc bản thân hơn”. Như vậy, có thể thấy, về mặt bản ngã, NCT có dấu hiệu khủng hoảng thể hiện ở sự tiếc nuối về cuộc sống trong quá khứ khá rõ nét. Số lượng NCT xếp hai nếp nghĩ có liên quan đến quá khứ ở mức độ rất thường xuyên cũng đạt tỉ lệ cao nhất trong số 6 biểu hiện được khảo sát.

Tiếp sau đó, các biểu hiện “Tôi cảm thấy rất mệt mỏi với cuộc sống hiện tại” thuộc mức thỉnh thoảng. Điều này cho thấy có một tỉ lệ không ít NCT (trên 25%) đang có cảm xúc tiêu cực về cuộc sống hiện tại sau khi về hưu.

Cuối cùng, các biểu hiện còn lại liên quan đến cuộc sống hiện tại và tương lai của NCT như “Tôi nghĩ rằng bản thân đã trở thành một ông/ bà già xấu xí”, “Tôi đang mòn mỏi sống từng tháng ngày cuối cùng của cuộc đời” và “Tôi cho rằng mình đang sống như một người vô dụng, không có giá trị” thuộc mức độ hiếm khi.

Tín hiệu đáng mừng là trên 70% sự lựa chọn của NCT cho các biểu hiện này đều tập trung ở mức độ không bao giờ. Kết quả phỏng vấn cũng cho thấy, có những NCT cho biết họ không lo tiền bạc, gia đình, danh vọng và sống rất vui vẻ, yên phận, lạc quan sau khi nghỉ hưu. Điều này cho thấy rằng các biểu hiện khi nhìn nhận về hình ảnh bản thân, về giá trị của bản thân và về chặng đường tuổi già trong tương lai không phải là nỗi ám ảnh của hầu hết NCT.

Lĩnh vực tài chính

Các biểu hiện KHVH ở mặt tài chính có mức độ hiếm khi. Trong đó biểu hiện có trên 60% NCT cho biết là “Tôi muốn cất trữ và tiết kiệm tất cả đồ đạc” ở các mức độ từ hiếm khi cho đến rất thường xuyên. Biểu hiện này có ĐTB 2,230, cao nhất trong bảy biểu hiện khủng hoảng ở mặt tài chính. Biểu hiện xếp thứ hai trong sự khủng hoảng về mặt tài chính ở NCT là “Tôi không có tiền để dành” có ĐTB 1,985. Ở biểu hiện này, có trên 50% NCT cho biết không có tiền để dành gây nên khủng hoảng ở họ.

Hai biểu hiện có ĐTB cao nhất trong 7 biểu hiện đều cho thấy nỗi lo lắng của NCT về điều kiện tài chính cho cuộc sống lâu dài. Họ có xu hướng tích trữ tài sản để đề phòng bất trắc hay hà tiện giúp con cháu. Tuy nhiên, ở mức độ thường xuyên và rất thường xuyên bị ám ảnh bởi suy nghĩ này chỉ chiếm phần ít, dưới 15% khách thể thường xuyên và rất thường xuyên muốn cất trữ, tiết kiệm tất cả đồ đạc, lo lắng mình không có tiền để dành.

Đây là một tín hiệu tích cực vì NCT mặc dù có khủng hoảng về mặt tài chính, có xu hướng lo lắng cho cuộc sống về lâu dài nhưng không đến mức bị ám ảnh thường xuyên.

Dưới 50% NCT có các biểu hiện “Tôi cảm thấy mình trở thành người sống bám con cái”, “Tôi phải sống qua ngày rất hà tiện”, “Tôi phải đi làm vụn vặt để kiếm tiền”, “Nơi ở hiện nay của tôi đã xuống cấp và thiếu thốn”, “Tôi không đủ tiền trang trải cho các thú vui của mình (chơi chim, đọc sách, trồng cây…)”. Điều này cho thấy, trên thực tế, vấn đề tài chính có ảnh hưởng đến cuộc sống sau khi nghỉ hưu của NCT, khiến cho họ có cảm giác bất an khi đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong số những người có những biểu hiện khủng hoảng nói trên, mức độ thường xuyên và rất thường xuyên chỉ chiếm phần ít. Điều này cho thấy, tài chính không phải là nỗi ám ảnh thường trực trong cuộc sống của NCT.

Con, cháu là niềm vui, niềm an ủi tuổi già

Các biểu hiện KHVH ở NCT xét trong mối quan hệ với con cháu có ĐTB thuộc mức hiếm khi trong thang đo. Trong đó, biểu hiện có ĐTB cao nhất là “Con cháu tôi có nhiều chuyện khiến tôi phải bận tâm”. Với NCT, con cháu là niềm vui ở phần còn lại trong cuộc đời. Nhưng với tình yêu thương con cháu, những va vấp trong cuộc sống của chúng cũng khiến họ phải bận tâm. Mức độ bận tâm của NCT đối với những vấn đề của con cháu là trên 50% ở các mức độ từ hiếm khi đến rất thường xuyên. Trong đó, phần nhiều nằm ở hai mức độ hiếm khi và thỉnh thoảng (trên 40%). Mức độ thường xuyên và rất thường xuyên chỉ chiếm phần ít (dưới 10%).

Dưới 40% NCT có các biểu hiện “Con cái tôi không về nhà thăm tôi”, “Tôi không nói chuyện với con/cháu mình”, “Con cháu không lắng nghe những gì tôi nói”, “Tôi không được chăm sóc cháu”, “Con cháu tôi nói chuyện lớn tiếng/quát mắng tôi”, “Con cháu tôi bỏ mặc khi tôi bệnh yếu”. Trong đó, phần nhiều ở mức độ hiếm khi và thỉnh thoảng (chủ yếu là ở mức độ hiếm khi). Mức độ thường xuyên và rất thường chỉ chiếm dưới 10%.

Như vậy, các biểu hiện KHVH ở mặt mối quan hệ với con cháu chỉ chiếm phần ít. Con cháu chính là niềm vui, niềm an ủi tuổi già của đa số NCT. Đây chính là dấu hiệu tích cực trong sự KHVH của NCT.

Hướng dẫn NCT lập kế hoạch cụ thể trước khi nghỉ hưu

Từ kết quả nghiên cứu biểu hiện và các yếu tố có liên quan đến KHVH ở NCT tại TPHCM, PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn đề xuất những những giải pháp đáng chú ý. Về phía xã hội: cần bổ sung thêm các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, văn  nghệ, thể thao… theo mô hình địa phương và hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Vận động, tuyên truyền và hướng dẫn NCT lập kế hoạch cho mình thật cụ thể trước khi nghỉ hưu. Cần nâng cao hơn nữa phúc lợi xã hội cho NCT, tạo điều kiện cho NCT có hoàn cảnh khó khăn nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe tuổi già, tạo môi trường cho những NCT chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, đóng góp cho ngành nghề bằng niềm vui và sự thoải mái nhất đối với họ.

Về phía gia đình: cần tạo điều kiện chăm sóc về mặt tinh thần ở NCT tốt hơn thông qua sự sinh hoạt chung, chia sẻ tình cảm giữa vợ chồng với nhau, bởi lẽ mối quan hệ vợ chồng là mặt khủng hoảng cao nhất so với các mặt khác. Con cháu cần hiểu và chấp nhận đặc điểm tâm lý của NCT, dành thời gian chăm sóc cha mẹ ông bà, hướng dẫn họ lập kế hoạch trước khi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, cần  khuyến khích NCT trong gia tham gia các hoạt động ngoài xã hội, kết bạn với những NCT khác.

Đối với bản thân NCT: Cần chủ động, tích cực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, tình cảm với vợ/chồng, con cháu và bạn bè của mình. Càng có thời gian nghỉ hưu càng cao, sức khỏe của NCT càng kém hơn, do đó, việc giữ gìn sức khỏe hàng ngày thông qua tập thể dục, chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt lành mạnh là điều cần phải thực hiện ngay khi NCT chỉ mới nghỉ hưu hay thời gian nghỉ hưu còn ngắn. Có thể tìm đến Hội NCT, các trung tâm tại địa phương… để hỗ trợ, can thiệp các vấn đề về sức khỏe, tâm lý của bản thân khi gặp khó khăn và cần giúp đỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO