Biết thêm về viêm phế quản mạn tính

BS. LÊ TRUNG NGÂN| 22/01/2020 07:49

KHPTO - Viêm phế quản mạn tính là thuật ngữ thường sử dụng trong thập kỷ trước, nhằm để chỉ những trường hợp có tình trạng viêm đường hô hấp mạn tính; tuy nhiên, sau khi xuất hiện thuật ngữ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì thuật ngữ viêm phế quản mạn tính ít được dùng hơn, và hiện nay chỉ được dùng hạn chế cho những trường hợp đã loại trừ hết các căn nguyên gây ho kéo dài như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản, viêm phổi kẽ, trào ngược dạ dày, thực quản...

Ho kéo dài: thường ho húng hắng, hoặc thành cơn, biểu hiện bệnh thường nặng lên sau những đợt nhiễm trùng đường hô hấp, hoặc khi có thay đổi thời tiết, khi trời lạnh, tiếp xúc khói, bụi...

Khạc đờm kéo dài: đờm thường có màu trắng, trong những trường hợp có bội nhiễm do vi khuẩn: đờm thường có màu vàng, hoặc màu xanh. Ít gặp sốt trong diễn biến thông thường của viêm phế quản mạn. Biểu hiện này thường gặp hơn khi bệnh nhân viêm phế quản mạn bị cúm, hoặc có những đợt cấp tính nặng do vi khuẩn.

Khó thở: cũng là biểu hiện ít gặp trong viêm phế quản mạn. Nếu bệnh nhân có biểu hiện khó thở thì thường cần tìm bằng chứng chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, hoặc bệnh nhân có viêm phế quản mạn, nhưng kèm căn nguyên khác gây khó thở như: suy tim...

Mệt mỏi: người bệnh thường than phiền mệt mỏi, tuy nhiên, ít khi gặp biểu hiện gầy sút cân. Các biểu hiện bệnh nêu trên thường xuất hiện tái đi, tái lại nhiều lần, việc điều trị mỗi đợt thường kéo dài.

Để điều trị viêm phế quản mạn tính cần tránh yếu tố nguy cơ có thể gây bùng phát các đợt cấp của bệnh: các bệnh nhân có bệnh viêm phế quản mạn tính cần tránh các yếu tố sau: không hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc, khói bếp, các môi trường nhiều khói, bụi... Tránh lạnh, ẩm; trong những điều kiện buộc phải ra ngoài môi trường lạnh, ẩm thì nên quấn khăn kín cổ, đeo khẩu trang. Tránh gió lùa trong nhà: đóng các cửa sổ khi có gió, hạn chế dùng quạt, máy lạnh.

Cân nhắc dùng kháng sinh trong điều trị viêm phế quản mạn khi có những đợt cấp, có khạc đờm màu vàng, màu xanh, hoặc đờm mủ (đây là những trường hợp bệnh nhân có đợt cấp thường do căn nguyên vi khuẩn). Các kháng sinh thường được ưu tiên dùng bao gồm: kháng sinh nhóm amoxillin; kháng sinh nhóm cephalosprin thế hệ I, thế hệ II, thế hệ III, kháng sinh nhóm macrolide; kháng sinh nhóm quinolone; kháng sinh dạng kết hợp amoxillin/ acid clavunalic. Thời gian dùng kháng sinh: thường kéo dài 7 - 10 ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biết thêm về viêm phế quản mạn tính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO