Biện pháp giải độc mặn, cứu sầu riêng

Bài và ảnh: VỸ PHƯỢNG| 29/06/2020 13:31

KHPTO - Trước hiện tượng rất nhiều vườn sầu riêng bị chết, suy kiệt, hoặc khả năng phục hồi kém do ảnh hưởng nặng nề từ hạn mặn, TS. Võ Hữu Thoại, phó viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam đã có những khuyến cáo và hướng dẫn chi tiết để giúp bà con khắc phục, tránh được thiệt hại.

Cách nào giải độc mặn?

TS. Võ Hữu Thoại cho rằng, sau hạn mặn, người trồng sầu riêng cần kiểm tra tình trạng, đánh giá thiệt hại trên vườn cây ăn trái, từ đó đề ra kế hoạch để phục hồi vườn cây. Nếu vườn có nhiều cây chết hoặc tỷ lệ cây bị thiệt hại nặng thì nên phá bỏ, trồng lại hay chuyển sang cây trồng khác. Trường hợp, nếu hạn, mặn chỉ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển một số cây trong vườn và việc duy trì vườn cây vẫn còn hiệu quả thì tiến hành trồng dặm, hoặc chăm sóc để hồi phục vườn cây càng nhanh càng tốt. Việc đánh giá thiệt hại rất quan trọng để lựa chọn giải pháp chăm sóc phù hợp.

Cụ thể, trong trường hợp tán cây thiệt hại nhiều, cần chăm sóc cây như giai đoạn kiến thiết cơ bản nhằm phục hồi tán cây, không để ra trái. Ngược lại, nếu tán cây thiệt hại không nhiều, chăm sóc cây như giai đoạn mang trái để cây có thể ra hoa, đậu trái. Ngoài ra, tùy theo mức độ ảnh hưởng của hạn, mặn và mức độ thiệt hại của cây ăn trái trên vườn mà bà con có các giải pháp chăm sóc phù hợp để giúp cây sớm phục hồi. Đó là, cắt tỉa những cành khô héo, cành chết do ảnh hưởng của mặn, cành ốm yếu, bị sâu bệnh; tiếp đến cần mạnh dạn tỉa bỏ bớt hoặc toàn bộ số trái trên cây tùy theo mức độ lá bị rụng ít hay nhiều do ảnh hưởng của mặn. Nếu tiếp tục để trái trên cây trong điều kiện này thì hệ thống rễ đã bị thiệt hại do mặn nên khả năng hấp thu dinh dưỡng để nuôi trái bị giảm mạnh dẫn đến chất lượng trái kém, đồng thời góp phần làm suy kiệt cây, trường hợp nặng sẽ dẫn đến chết cây. Bước tiếp theo là sử dụng nguồn nước ngọt để tưới nhằm rửa trôi lượng muối đã tích tụ trong đất, giúp bộ rễ cây sớm phục hồi. Ngoài ra, do mặn làm bộ rễ cây bị hư hại nặng nên cần sử dụng các chế sinh sinh học để tưới vào đất kích thích cây ra rễ non. Đồng thời, sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ - sinh

học phun lên tán cây để hỗ trợ kịp thời nguồn dinh dưỡng cho bộ lá non phát triển; tiếp đến bón phân hữu cơ hoai mục để cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất và cây trồng. Khi bộ rễ mới cơ bản được hình thành thì sử dụng phân lân, phân NPK và bổ sung các dinh dưỡng trung, vi lượng sẽ giúp cây sớm hồi phục hơn. Đặc biệt là không nên xử lý ra hoa đối với những cây bị rụng lá vừa mới phục hồi (tức là bộ lá mới hình thành nhưng chưa phát triển đầy đủ), chỉ xử lý ra hoa đối với những cây khỏe mạnh (biểu hiện qua bộ tán lá xanh tốt). Và cũng không nên xử lý cho cây ra quá nhiều hoa sẽ dẫn đến tỷ lệ rụng hoa, rụng trái non cao vì cây vừa trải qua giai đoạn ảnh hưởng mặn, nên bộ rễ còn yếu, khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng chưa mạnh để nuôi nhiều hoa, trái. Ngoài ra, cũng thận trọng sử dụng hóa chất, nhất là tưới gốc vì hệ thống rễ còn yếu do vừa trải qua giai đoạn hạn, mặn.

Giải pháp phục hồi cây sầu riêng bị nhiễm mặn

Trước hiện tượng nhiều vườn cây sầu riêng của bà con có biểu hiện cháy lá, rụng lá, rụng hoa, dẫn đến cây sầu riêng bị suy kiệt, TS. Võ Hữu Thoại hướng dẫn bà con các bước phục hồi vườn sầu riêng như sau:

Rửa mặn cho đất

Khi tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng thì hàm lượng của muối hòa tan cao làm cho áp suất thẩm thấu của dung dịch đất

lớn hơn áp suất thẩm thấu của tế bào, hệ thống rễ cây không hút nước và dinh dưỡng được. Do đó, cần thực hiện biện pháp tưới ngọt để rửa trôi muối tích tụ trong đất. Sau đó tiến hành bón vôi 1 kg/ cây để các ion calci sẽ đẩy các ion natri bám trên bề mặt keo đất ra ngoài dung dịch để sớm bị rửa trôi.

Phục hồi bộ rễ và bộ lá

Do hạn mặn đã làm cháy lá, rụng lá và làm hư hỏng bộ rễ nên phải phục hồi bộ rễ và bộ lá. Vì vậy, sau 7 - 10 ngày rửa mặn cho đất (đã thực hiện ở bước đầu tiên) thì cần tiến hành bón phân để giúp cây sầu riêng phục hồi bộ rễ. Cách phục hồi bộ rễ là sử dụng chế phẩm Rootwell, hoặc phân cá ủ kết hợp với nấm cộng sinh Mycorrhiza giúp phục hồi bộ rễ, tăng đề kháng sâu bệnh. Trong giai đoạn này không được bón phân hóa học cho cây sầu riêng. Song song với việc tái tạo bộ rễ mới, cần phục hồi bộ lá bằng các loại dinh dưỡng ở dạng hữu cơ - sinh học (do bộ rễ bị hư hại do hạn mặn, nấm bệnh tấn công nên không thể hấp thu nước và dinh dưỡng để nuôi bộ lá mới). Sử dụng các chế phẩm có chứa brassinosteroids (BRs) để kích thích sinh trưởng, tăng hàm lượng diệp lục tố, tích lũy proline trong tế bào lá, tăng cường khả năng chống chịu mặn. Sử dụng chế phẩm có chứa acid humic sẽ giúp tăng cường sựquang hợp của cây, làm tăng sức đềkháng của cây với sâu bệnh vàđiều kiện bất lợi.

Hỗ trợ bộ lá phát triển

Mười ngày sau khi bón phân phục hồi bộ rễ và bộ lá thì tiến hành phun dưỡng chất hữu cơ sinh học để nuôi bộ lá phát triển. Sử dụng chế phẩm hữu cơ sinh học chứa N, P, K và acid humic.

Hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá

Sau 10 ngày phun bón lá hỗ trợ bộ lá phát triển, sử dụng chế phẩm dinh dưỡng Rootwell, hoặc phân cá ủ kết hợp nấm cộng sinh Mycorrhiza tưới gốc; sử dụng các chế phẩm chứa brassinosteroids, acid humic để phun lên lá.

Tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp

Sau 20 ngày bón phân hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá, thì tiến hành bón phân cho cây sầu riêng theo cách: bón gốc 5 - 10 kg phân hữu cơ/cây; phun qua lá các chế phẩm hữu cơ sinh học có chứa N, P, K và acid humic.

Kết quả, sau 3 tháng áp dụng theo các bước này thì cây sầu riêng bị cháy lá dưới 50% có thể phục hồi được bộ lá và bộ rễ. Nếu số lá cháy hoặc rụng trên 50% thì thời gian phục hồi sẽ lâu hơn, từ 4 - 7 tháng.

Cây sầu riêng chết vì nhiễm mặn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biện pháp giải độc mặn, cứu sầu riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO