Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: “Mỗi trường đại học cần là một trung tâm đổi mới sáng tạo”.

Bài, ảnh: Tuyết Mai| 08/09/2017 09:39

KHPTO - Ngày 7/9/2017, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM, đã đến thăm và làm việc tại Sở khoa học và công nghệ (KH&CN) TP.HCM nhằm đánh giá các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KN-ĐMST), nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Việt Dũng - bí thư Đảng ủy, giám đốc Sở KH&CN TP.HCM - báo cáo tổng quan về hệ sinh thái KN-ĐMST trên địa bàn thành phố thời gian qua.

Là đơn vị tham mưu cho UBND TP trong việc triển khai Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X và Đề án: "Hỗ trợ hệ sinh thái KN-ĐMST quốc gia đến năm 2025" của Chính phủ nhằm xây dựng thành phố ĐMST và KN, với mục tiêu đến năm 2020 hỗ trợ 2.000 dự án hình thành DN KN-ĐMST. Hiện nay, Sở KH&CN TP.HCM đang triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ trên nhiều khía cạnh với những kết quả được cộng đồng KN và chuyên gia quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Theo đó, Sở đã thành lập 5 không gian hỗ trợ KN-ĐMST và kết nối với 24 cơ sở ươm tạo DN với tổng mặt bằng trên 22.000 m2, trong đó 50% vốn từ xã hội hóa. 

Về giải pháp phát triển con người, hàng loạt chương trình đào tạo – tư vấn – nâng cao năng lực được tổ chức cho nhiều đối tượng, từ khối trường phổ thông, đại học cho tới các nhà quản lý và khối DN hiện hữu.

Đặc biệt, chương trình SpeedUp 2017 đã cung cấp công cụ hỗ trợ tài chính từ ngân sách cho các dự án KN-ĐMST thông qua các cơ sở ươm tạo DN. Trong 8 tháng qua, chương trình đã tiếp nhận và giải quyết 112 hồ sơ dự án KN-ĐMST, trong đó, số lượng các dự án được tuyển chọn đạt tỷ lệ 14/112 (12,5%), tương đối cao so với tỷ lệ tuyển chọn dự án của các quỹ đầu tư hiện nay.

Ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh: “Hoạt động ĐMST phải xuất phát từ kết quả nghiên cứu KH, phát triển công nghệ và thương mại hóa sản phẩm KH&CN”. Tính đến nay, 78% đề tài, dự án nghiên cứu KH sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng trực tiếp và gián tiếp vào đời sống. Hàng chục sản phẩm nghiên cứu KH cũng đã được thương mại hóa, cung cấp và kết nối cho nhà đầu tư, cộng đồng KN để hình hành những DN KN-ĐMST mới.

Trong năm 2017, Sở cũng đã thành lập 4 Ban điều hành hệ sinh thái KN-ĐMST cho 4 lĩnh vực trọng điểm của thành phố. Với mạng lưới 145 chuyên gia tư vấn, cố vấn KN-ĐMST thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, tính đến nay, đã có 938 dự án KN đã được tư vấn, kết nối để giúp phát triển ý tưởng kinh doanh; 3.200 cá nhân và nhóm KN được kết nối với nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn; quảng bá trên 300 sản phẩm KN cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp cũng được triển khai với 3 cổng thông tin chuyên biệt: KN, ĐMST, Sáng kiến cộng đồng với 2 phiên bản Anh – Việt. Chia sẻ về các cổng thông tin này, giám đốc Nguyễn Việt Dũng chia sẻ: “Nhiều lãnh sự quán, đại sứ quán muốn nhờ Sở KH&CN, thông qua các cổng thông tin này, sẽ hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp của họ hợp tác với các DN khởi nghiệp ở Việt Nam”.

Tuy nhiên, đánh giá chung từ Sở về hoạt động KN nói chung, đa số các startup tại Việt Nam được đầu tư mới ở giai đoạn hạt giống với quy mô nhỏ, khả năng tăng trưởng đột phá không cao. Do vậy, cộng đồng KN vẫn cần có sự hỗ trợ đặc biệt từ nhà nước, các mô hình hợp tác công tư và những đóng góp tích cực từ các thành phần khác nhau trong hệ sinh thái ĐMST – nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh.  

Từ đây, ông Dũng cũng kiến nghị thành phố tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan cùng phối hợp tham gia nhằm triển khai tốt và đạt hiệu quả cao các chương trình hỗ trợ nói trên.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Sở và đề nghị ngoài việc đánh giá các hoạt động KN nói chung thì Sở cần tiếp tục định hướng, tập trung phát triển, sàng lọc để hoạt động KN-ĐMST phải thật sự đạt chất lượng, có hiệu quả cao. 

Bí thư Thành ủy chia sẻ: “Hiện nay có một số xu hướng lập nghiệp của giới trẻ. Thứ nhất, có những người KN mà không sáng tạo, chính xác hơn, đó là những bạn trẻ lập nghiệp dựa trên những cách làm truyền thống, cha mẹ làm sao thì mình làm vậy, không đầu tư thêm chất xám để nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình. Thứ hai là có những người sáng tạo mà không KN. Họ có thể sẽ thành nhà nghiên cứu rất giỏi nhưng lại không bán được sản phẩm trí tuệ của mình. Trong khi đó, xu hướng thứ ba, KN dựa trên ĐMST là một hướng đi quan trọng, bởi họ vừa biết phát huy chất xám, vừa năng động tìm kiếm được thị trường để bán được chất xám của mình. Vì thế, vai trò của trường đại học là phải phát hiện được nguồn nhân tài này, trên cơ sở đó hướng dẫn, hỗ trợ để họ có thể KN thành công và bền vững”.

Bí thư cũng nhấn mạnh: “Ở các nước, mỗi trường đại học là một trung tâm ĐMST”. Và ông kỳ vọng các trường đại học phải nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển bồi dưỡng nhân tài để tạo ra nguồn lực quan trọng cho thị trường trong tương lai.

Với mục tiêu xây dựng thành phố ĐMST và KN, trong thời gian tới thành phố tiếp tục triển khai xây dựng các chính sách hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cụ thể như: hỗ trợ, hình thành không gian hỗ trợ hoạt động ĐMST và KN theo hình thức hợp tác công tư (PPP); triển khai thực hiện Đề án liên kết nguồn lực thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về các phòng thí nghiệm, năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN, chuyên gia; xây dựng Quy định nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất của các tổ chức hoạt động KH&CN; phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động ĐMST và KN; xây dựng các chương trình mục tiêu trong nghiên cứu KH&CN thuộc các lĩnh vực: đô thị thông minh, KH dữ liệu (big data), ứng dụng và phát triển công nghệ vi mạch, công nghệ CNC, công nghệ in 3D, ứng dụng tế bào gốc trong y học … để định hướng các hoạt động nghiên cứu KH, phát triển công nghệ và ĐMST hướng đến thị trường và mục tiêu phát triển thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: “Mỗi trường đại học cần là một trung tâm đổi mới sáng tạo”.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO