Bệnh Rubella

17/03/2005 16:30

Bệnh Rubella lưu hành khắp thế giới nhưng ở Việt Nam lại là bệnh ít gặp. Tuy nhiên từ tháng 1/2005 đến nay tại TP.HCM đã phát ra dịch lớn ở quận Tân Phú và Củ Chi với khoảng 600 ca bệnh, trong đó có không ít phụ nữ đang mang thai.

Rubella là bệnh được truyền qua đường hô hấp nhưng không có tính lây nhiễm cao như bệnh sởi. Bệnh nhiễm tự nhiên gây miễn dịch suốt đời vì virus chỉ có một typ kháng nguyên duy nhất..

Bệnh rubella có hai dạng lâm sàng: bệnh rubella mắc phải và hội chứng rubella bẩm sinh.

Bệnh rubella mắc phải có thể gặp ở người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Khoảng 25% số ca nhiễm không có triệu chứng lâm sàng.

Sau thời kỳ ủ bệnh từ 14 - 21 ngày, bệnh rubella bắt đầu với các dấu hiệumệt mỏi, sốt nhẹ và phát ban dạng sởi. Ban có mụn nước ở mặt rồi lan ra khắp thân mình và tứ chi, cơn phát ban rất ít khi kéo dài quá 3 ngày và không có nốt phát ban đặc hiệu vì nốt phát ban do bệnh rubella giống như nốt phát ban do các virus khác như virus đường ruột. Người bệnh còn bị sưng hạch dưới chẩm và sau tai. Ở người lớn, đặc biệt là phụ nữ thường bị đau cơ thoáng qua và viêm khớp. Các biến chứng ít gặp là xuất huyết giảm tiểu cầu và viêm não.

Hội chứng rubella bẩm sinh là hậu quả do nhiễm rubella từ trong bụng mẹ. Khi người mẹ nhiễm bệnh trong lúc mang thai, virus theo dòng máu truyền từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai từ một tuần trước khi có phát ban ở người mẹ và kéo dài đến vài ngày sau phát ban. Đây là một hội chứng lâm sàng với đặc điểm là có dị dạng và dị tật ở nhiều cơ quan của thai nhi. Virus không hủy hoại tế bào phôi thai nhưng ức chế khả năng phân chia tế bào, làm chậm mức độ tăng trưởng và làm giảm số lượng tế bào trong các cơ quan của thai nhi, làm giảm tính đàn hồi, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cơ quan, dẫn đến nhiều bất thường về cấu trúc, gây dị dạng cho thai nhi. Nhiễm càng sớm càng nguy hiểm cho thai nhi, đặc biệt vào ba tháng đầu của thai kỳ. Nhiễm vào tháng đầu tiên sẽ gây dị dạng cho 50% số trường hợp trong khi chỉ có khiếm khuyết ở khoảng 20% số trẻ bị nhiễm vào tháng thứ hai và 4% số trẻ bị nhiễm vào tháng thứ ba của thai kỳ. Trẻ ít bị dị dạng nếu người mẹ bị nhiễm virus rubella sau tuần thứ 18 của thai kỳ.

Những người mẹ nhiễm virus rubella không triệu chứng cũng có thể gây dị dạng cho trẻ. Ngoài ra, nhiễm rubella còn có thể gây sẩy thai tự nhiên hoặc làm thai chết lưu.

Nhiễm rubella trong bụng mẹ làm cho virus tồn tại dai dẳng ở trẻ sơ sinh. Ngay sau khi trẻ ra đời đã có thể phát hiện được virus (80-90%) trong chất tiết họng, các cơ quan, dịch não tủy, nước tiểu và phết âm đạo của trẻ.

Những khiếm khuyết lâu dài thường gặp nhất là bệnh tim bẩm sinh, mù hoàn toàn hoặc một phần và điếc. Trẻ cũng có thể bị các triệu chứng thoáng qua như chậm lớn, gan lách to, xuất huyết giảm tiểu cầu, thiếu máu, viêm xương, viêm não và màng não.

Các triệu chứng của hội chứng rubella bẩm sinh thường liên quan đến hệ thần kinh trung ương. Biểu hiện thường gặp nhất là chậm phát triển tâm thần từ mức độ nhẹ đến trung bình. Các dấu hiệu về kỹ năng vận động và thăng bằng xuất hiện ở trẻ trước tuổi đến trường. Rối loạn tâm thần và hành vi có thể gặp ở trẻ nhỏ hoặc ở tuổi học trò. Viêm não do hội chứng rubella có biểu hiện dai dẳng và rất khác nhau, nhất là ở trẻ từ 9-12 tuổi, đó là mất thăng bằng, yếu cơ và kém xúc giác.

20% trẻ nhiễm rubella bẩm sinh có triệu chứng bị tử vong. Đặc biệt, một số trẻ nhiễm virus có biểu hiện bình thường lúc mới sinh nhưng sau đó xuất hiện các bất thường.

Một biến chứng hiếm gặp ở trẻ nhiễm rubella bẩm sinh mãn là viêm toàn não tiến triển xuất hiện khi trẻ đã hơn 10 tuổi. Đây là hậu quả của sự thoái hóa thần kinh và chắc chắn sẽ dẫn đến tử vong.

Làm thế nào để chẩn đoán bệnh rubella?

Trừ khi đang có dịch, khó chẩn đoán được bệnh trên phương diện lâm sàng. Chẩn đoán lâm sàng bệnh rubella ít có giá trị vì nhiều bệnh nhiễm virus có triệu chứng tương tự như triệu chứng bệnh rubella.

Các triệu chứng thường gặp nhất của bệnh rubella (sưng hạch, hồng ban và sốt nhẹ) dễ bị nhầm với các bệnh tương tự như phát ban do các tác nhân gây bệnh khác (virus và không virus) hoặc phát ban do thuốc. Do đó, bệnh chỉ có thể xác định dựa trên chẩn đoán phòng thí nghiệm.

Nếu không có các dữ liệu xác định của phòng thí nghiệm, có thể chẩn đoán lâm sàng dựa trên sự hiện diện của bất cứ hai dấu hiệu nào dưới đây: đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp bẩm sinh, bệnh tim bẩm sinh, điếc hoặc bệnh võng mạc sắc tố. Nếu chỉ có một trong những biểu hiện nêu trên và thêm một dấu hiệu như ban xuất huyết, gan lách to, vàng da, đầu nhỏ, chậm phát triển tâm thần, viêm não – màng não hoặc bệnh xương thấu xạ cũng đủ để chẩn đoán bệnh.

Điều trị bệnh như thế nào?

Rubella là một bệnh nhẹ tự giới hạn và không có điều trị đặc hiệu.

Bệnh rubella không có biểu hiện lâm sàng ở phụ nữ mang thai trong những tháng đầu vẫn có nhiều nguy cơ gây nhiễm cho thai nhi. Chích globulin miễn dịch cho người mẹ cũng không bảo vệ được thai nhi khỏi nhiễm rubella vì thường là không kịp dùng trước thời kỳ nhiễm virus huyết ở người mẹ.

Đối với hội chứng rubella bẩm sinh: không có điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể điều chỉnh nhiều bất thường do hội chứng này bằng phẫu thuật hoặc bằng điều trị nội khoa.

Phòng ngừa và kiểm soát bệnh rubella

Trên thế giới đã có vaccin ngừa bệnh rubella từ năm 1969. Tại Việt Nam từ lâu đã có vaccin chích ngừa bệnh rubella. Vaccin ở dạng đơn lẻ hoặc liên kết với vaccin sởi và quai bị. Virus trong vaccin nhân lên trong cơ thể và phát tán với số lượng nhỏ nhưng không truyền cho những người tiếp xúc. Trẻ đã được chích ngừa không còn là nguy cơ cho người mẹ, những người cảm thụ (chưa từng bị nhiễm virus rubella) và phụ nữ mang thai. Trái lại, trẻ chưa được chích ngừa có thể mang virus gây bệnh bị nhiễm ở trường học hoặc những nơi công cộng về nhà và lây cho những người khác trong gia đình nếu những người này chưa bị bệnh hoặc bị nhiễm rubella bao giờ. Vaccin rubella rất có hiệu quả trong việc ngăn ngừa hội chứng rubella bẩm sinh: chích ngừa tạo đáp ứng miễn dịch suốt đời ở 95% số người được dùng vaccin. Do vậy, để loại trừ bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh, cần chích ngừa cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em đã đi học.

Vaccin phòng ngừa bệnh rubella có tính an toàn nhưng đôi khi gây một số tác dụng phụ. Trẻ em có thể bị sốt nhẹ, sưng hạch và phát ban thoáng qua. Ở người lớn, chỉ có một tác dụng phụ có ý nghĩa là đau khớp. Đối với những phụ nữ sau tuổi dậy thì, 1/3 số người được chích ngừa bị đau cơ và viêm khớp nhưng tự giới hạn.

Vaccin rubella có thể qua nhau và nhiễm cho thai nhi nhưng không gây quái thai. Theo một nghiên cứu ở Hoa kỳ, trong số hơn 200 trẻ sinh ra từ những bà mẹ được chích ngừa vaccin rubella lúc mang thai chỉ có 2% trẻ nhiễm không triệu chứng và không có trường hợp nào bị bệnh rubella bẩm sinh. Người mẹ có đáp ứng miễn dịch sẽ truyền kháng thể rubella cho con lúc mang thai, trẻ sơ sinh được kháng thể mẹ bảo vệ trong 4-6 tháng đầu tiên sau khi ra đời.

Không chích ngừa vaccin rubella cho những người bị suy giảm miễn dịch vì đây là vaccin sống.

                                                                                                                                                                                   C.M.N.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh Rubella
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO