Bệnh rối loạn nhịp xoang

BS. LÊ TRUNG NGÂN| 09/11/2016 10:37

Nút xoang nằm ở cơ tâm nhĩ, chịu sự chi phối của hệ thống thần kinh thực vật bao gồm thần kinh giao cảm làm tim đập nhanh và phó giao cảm làm tim đập chậm. Rối loạn nhịp xoang xảy ra khi nút xoang phát sai nhịp, khiến cho tim trở nênđập quá nhanh, quá chậm, ngắt quãng bởi những khoảng dừng lâu...

Hầu hết những người bị rối loạn chức năng nhịp xoang ban đầu có ít hoặc không có triệu chứng. Một số trường hợp khác có thể xuất hiện các triệu chứng: đánh trống ngực, đau thắt ngực, mệt mỏi, khó thở và đột tử do tim (hiếm gặp hơn). Khi tim đập quá nhanh hoặc quá chậm làm giảm lưu lượng máu đến não, dẫn đến một số biểu hiện như khó chịu, tâm trạng không ổn định, hay quên, chóng mặt, nói lắp, té ngã và ngất. Rối loạn nhịp xoang có nguy cơ cao phát triển cục máu đông trong mạch máu (huyết khối). Cục máu đông này có thể di chuyển vào mạch vành hoặc mạch não, dẫn đến đột quỵ hoặc thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Nếu rối loạn nhịp tim diễn ra trong thời gian dài có thể làm cho cơ tim ngày càng yếu đi, đến khi không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, gọi là suy tim.

Rối loạn nhịp xoang có thể được chẩn đoán tương đối dễ dàng thông qua điện tâm đồ và siêu âm tim. Tuy nhiên, do những cơn rối loạn nhịp có tính chất tức thời, nên tại thời điểm bạn đi khám có thể nhịp tim đã trở về bình thường, khi đó bạn sẽ phải đặt thiết bị theo dõi nhịp tim Holter để ghi lại điện tâm đồ liên tục trong vòng 24 - 48 giờ.

Việc điều trị, ở bệnh nhân có rối loạn chức năng nút xoang chỉ có hiệu quả nếu kết hợp giữa trị nguyên nhân, điều chỉnh các yếu tố bên ngoài và căn cứ vào triệu chứng thực tế. Đối với rối loạn nhịp xoang cấp tính, điều trị bao gồm atropine tiêm tĩnh mạch mỗi 2 - 4 giờ, hoặc isoproterenol truyền tĩnh mạch. Ở những bệnh nhân rối loạn nhịp xoang nhanh, triệu chứng nhịp tim nhanh có thể được kiểm soát bằng thuốc chống loạn nhịp như digoxin, propranolol hay quinidin. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên bằng thiết bị Holter để đảm bảo rằng rối loạn nhịp tim không tiến triển nặng lên hoặc gây ra biểu hiện chóng mặt, ngất xỉu, hay biến chứng suy tim sung huyết. Bệnh nhân rối loạn nhịp xoang chậm mạn tính và thường xuyên xuất hiện cần được cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị trên cần được chỉ định bởi bác sĩ hay chuyên khoa tim mạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh rối loạn nhịp xoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO