Bệnh lây truyền qua đường tình dục ở người cao tuổi

30/08/2006 23:51

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến nhất ở lớp trẻ, nhưng khả năng mắc bệnh ở người cao tuổi (NCT) cũng không được bỏ sót bởi vì nhiều người vẫn hoạt động tình dục khi lớn tuổi. Trong thực tế ở nhiều nơi, bệnh HIV/AIDS và STD gần đây có xu hướng giảm đi ở người dưới 30 tuổi và tăng lên ở người trên 60. Và theo thời gian, những người đang sống với HIV ngày càng cao tuổi hơn.

Có tới hơn 20 bệnh STD, và nhiều STD thông thường có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Đa số STD có thể chữa được bằng kháng sinh, ngoại trừ các bệnh nhiễm virus như herpes, mồng gà và HIV – mà các triệu chứng được điều trị bằng liệu pháp giảm nhẹ và chặn đứng. Khó khăn trong kiểm soát bệnh STD ở NCT là do có nhiều ca bệnh không hoặc ít triệu chứng và do các thầy thuốc ít lưu ý đến khả năng mắc bệnh ở tuổi cao.

NCT ít sử dụng bao cao su hơn người trẻ tuổi vì đa số không còn phải bận tâm đến việc ngừa thai. Việc dùng chung kim tiêm ít gặp hơn ở NCT song cũng có thể xảy ra. Nhưng yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là số bạn tình: càng nhiều bạn tình thì nguy cơ gặp người bị STD càng cao. Một số thay đổi sinh lý cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm; chẳng hạn, niêm mạc sinh dục của phụ nữ lớn tuổi mỏng đi, ít trơn và dễ bị tổn thương hơn. Việc xử trí, điều trị STD cũng trở nên phức tạp hơn theo tuổi tác do sự hiện diện một số bệnh lý mạn tính và sự tương tác giữa các nhóm thuốc sử dụng. Người đồng tính luyến ái có nguy cơ nhiễm STD cao hơn mức bình quân.

Người cao tuổi: ít động cơ dùng bao cao su

Giang mai

Đây là một bệnh lý đáng quan tâm, do tính lây truyền cao và khả năng tiến triển thành giang mai thần kinh (nếu không chữa) với các biểu hiện hay gặp ở NCT bao gồm suy giảm cảm giác, mất điều hòa vận động, sa sút trí tuệ, điếc và các biến chứng mạch máu màng não.

Lậu và chlamydia

Bệnh lậu thường gây viêm niệu đạo, tiết dịch mủ và tiểu khó ở nam giới; viêm cổ tử cung, viêm niệu đạo, khí hư, đau bụng dưới và tiểu khó ở nữ giới. Nhiều người bệnh lậu bị đồng nhiễm chlamydia mà biểu hiện thường kín đáo hơn, vì thế phải điều trị kết hợp cả hai bệnh. Các dữ liệu mới đây cho thấy viêm cổ tử cung do chlamydia có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV, và bệnh chlamydia mạn tính có thể là một yếu tố nguy cơ cho ung thư buồng trứng (trong khi người trẻ tuổi mắc bệnh chlamydia có nguy cơ bị vô sinh). Lậu và chlamydia là các tác nhân chính gây bệnh viêm vùng chậu.

Herpes sinh dục

Các tổn thương herpes có thể gặp ở vùng miệng hay vùng sinh dục

Ở NCT, cần phân biệt herpes (“mụn rộp”) với zona (“giời leo”): herpes hay gặp ở vùng sinh dục - hậu môn và vùng miệng, trong khi zona thường xuất hiện từng cụm ở nơi khác; nhưng cả herpes và zona đều có thể hiện diện ở vùng mông. Herpes ở NCT thường được xem là lành tính và khu trú, nhưng nó dễ gây tổn thương cảm xúc vì hay tái phát. Ở người bị giảm miễn dịch, herpes có thể gây biến chứng nghiêm trọng ở mắt và hệ thần kinh.

Trichomonas

Bệnh nhiễm trùng roi sinh dục phổ biến này thường không có triệu chứng, đặc biệt ở nam giới, nên nó khó kiểm soát. Một số ít bệnh nhân có thể thấy tiểu khó, và nữ giới có thể bị ngứa âm hộ, ra khí hư vàng - xanh, có mùi hôi. Trichomonas cũng có phần nào khả năng lây nhiễm qua việc tắm chung và dùng chung các vật dụng tắm rửa, vệ sinh.

HPV sinh dục

Các tổn thương mồng gà sinh dục - hậu môn do HPV có thể đốt được bằng điện, hóa chất hay tự biến mất trong vòng 1 - 2 năm. Chúng dai dẳng hơn ở người bị giảm miễn dịch. Một số chủng HPV có nguy cơ làm phát sinh ung thư cổ tử cung. Test tầm soát HPV phổ cập nhất là làm kính phết Pap.

HIV và sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ có thể là một biểu hiện của AIDS tiến triển hoặc là do HIV trực tiếp xâm nhiễm não bộ. Tổn thương trí tuệ cũng có thể là do ảnh hưởng của các bệnh nhiễm cơ hội như toxoplasma và cytomegalovirus. So với người trẻ tuổi, NCT bị nhiễm HIV có xu hướng được chẩn đoán trễ hơn, tiến triển bệnh nhanh hơn và tử vong sớm hơn. So với bệnh Alzheimer, sự sa sút trí tuệ kết hợp với HIV thường khởi phát ở tuổi thấp hơn và tiến triển nhanh hơn.

Là một khía cạnh hay bị bỏ sót, vấn đề STD ở người cao tuổi cần được xã hội và ngành y tế quan tâm hơn, bằng việc tăng cường tầm soát và chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân, và đề ra các chiến lược kiểm soát và dự phòng thích hợp. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh lây truyền qua đường tình dục ở người cao tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO