Bệnh chổi rồng gây thiệt hại nặng nề cho nông dân

Thanh Tâm| 17/11/2016 19:29

(KHPTO) Hàng ngàn hecta nhãn tiêu da bò bệnh chổi rồng gây thiệt hại nặng nề cho nông dân ĐBSCL từ nhiêu năm nay. Các nghiên cứu mới đã cho biết, bệnh chổi rồng xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 1955 và sau đó ở một số nơi như Thái Lan, Brazil…

Bệnh chổi rồng xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc

Báo cáo sơ kết dự án khuyến nông trung ương về xây dựng mô hình quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn mới đây cho biết, bệnh chổi rồng xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 1955 và sau đó ở một số nơi như Thái Lan, Brazil…

Các nhà khoa học cho rằng, triệu chứng chổi rồng do nhện Eriophyes dimocarpi gây ra. Đây là loài nhện được phát hiện bởi Kuang ở Trường đại học Nanjing Trung Quốc. Ở Việt Nam, khảo sát tại miền Đông Nam bộ cho thấy, nhện lông nhung có tương quan đến triệu chứng bệnh chổi rồng, do vậy nguyên nhân chính là do côn trùng môi giới nhện lông nhung gây ra trên cây nhãn. Nhện lông nhung là một trong những loài dịch hại vải cực kỳ nguy hiểm và hiện diện phổ biến trên các vườn vải nhiễm đọt chổi rồng.

Có những bất đồng trong các kết quả nghiên cứu về tác nhân của chổi rồng mà cho rằng có thể là do virus hay do Mycoplasma hoặc là do nhện Eriophyes dimocarpi. Một số nghiên cứu trước đó ở Trung Quốc cho rằng tác nhân thuộc về virus, tuy nhiên, kết luận  này gây nhiều tranh cãi.

Nhiều kỹ thuật được sử dụng như quan sát với kính hiển vi điện tử, thí nghiệm ghép, thí nghiệm lây nhiễm nhện, tỉa cành, xây dựng thí nghiệm phòng trừ đã xác định chổi rồng gây ra do nhện Eriophyes dimocarpi. Khi cây con được lây nhiễm với nhện, 50% phát triển các triệu chứng chổi rồng và bị ký sinh bởi nhện trong khi không phát hiện nhện trên lá của những cây không có triệu chứng. Nhện luôn được tìm thấy trên những chồi nhiễm và mật số nhện tương quan thuận với mức độ hại.

Nhan_choi_rong_VL_1

Bệnh chổi rồng ở Việt Nam xuất hiện khi nào?

Bệnh chổi rồng gây hại trên nhãn tại Việt Nam từ năm 2001, bệnh lan rộng tại các vùng trồng nhãn của các tỉnh miền Đông Nam bộ vào những năm 2005-2007, và sau đó tiếp tục lây lan gây hại tại khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Những năm sau đó hiện tượng chổi rồng ngày càng lan rộng đã bộc phát thành dịch và gây thiệt hại lớn đến năng suất và sản lượng  nhãn. Bệnh chổi chổi rồng gây gây hại nặng thành dịch tại các tỉnh có trồng nhãn ở Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2011 và 2012. Có thời điểm diện tích nhiễm bệnh tới 27.151 ha.

Nhãn là một trong những loại cây ăn quả dễ trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất so với một số loại cây ăn quả khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây sản xuất nhãn gặp phải những khó khăn về dịch bệnh, trong đó đặc biệt nguy hại là bệnh chổi rồng gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, chất lượng quả, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Bệnh chổi rồng gây hại trên nhãn tại Việt Nam từ năm 2001, bệnh lan rộng tại các vùng trồng nhãn của các tỉnh miền Đông Nam bộ vào những năm 2005-2007, và sau đó tiếp tục lây lan gây hại tại khắp các tỉnh ĐBSCL.

Chưa xác định tác nhân gây bệnh

Theo Trung tâm bảo vệ thực vật phía nam, dù mức độ gây hại của bệnh xảy ra khá nghiêm trọng nhưng cho đến nay các kết quả nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác tác nhân gây bệnh. Kết quả nghiên cứu mới đây của Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết có thể có sự phối hợp phức tạp giữa nhện lông nhung (Eryophyes dimocarpi) và Phytoplasma nhưng nhện là nguyên nhân trực tiếp và quan trọng gây ra bệnh chổi rồng trên nhãn tại Việt Nam.

Một thực tế xảy ra đó là, trên giống nhiễm nặng như Tiêu Da Bò, đôi khi có những chồi trên cây không thể hiện triệu chứng, có những chồi non chỉ một số thể hiện triệu chứng. Nhiều trường hợp chồi non mọc từ một chồi nhiễm dạng “chổi” trước đó cũng không thể hiện triệu chứng và vẫn phát triển bình thường. Nhiều chồi non mọc từ gốc ghép, từ thân chính gần gốc (giống mẫn cảm) thể hiện dạng “chổi” đặc trưng toàn bộ chồi. Một điều chưa thể giải thích đó là một số cây nhãn, vườn nhãn bị nhiễm chổi rồng một thời gian nhưng sau đó không thấy xuất hiện triệu chứng nữa, mặc dù không áp dụng các biện pháp phòng trừ nào cả.

Phòng trừ thế nào?

Tỉa cành tạo tán và phun thuốc trừ nhện trên những chồi nhiễm giúp phục hồi, ra hoa và giảm tỷ lệ gié hoa nhiễm từ 80% xuống còn 9%. Ở Việt Nam, tại một số vườn nhãn nhiễm đầu tiên tại Đông Nam bộ ở Định Quán (Đồng Nai), một số mẫu nhiễm từ nhãn Tiêu Da Bò đã được thu thập và được gởi đến CABI để giám định, kết quả giám định sau đó kết luận rằng không có phytoplasma và họ khuyên nên đi vào hướng nghiên cứu nấm hoặc vi khuẩn.

Nghiên cứu của Vũ Mạnh Hà và Mai Văn Trị cho thấy, sử dụng thuốc trừ nhện đóng vai trò quan trọng trong phòng trừ bệnh chổi rồng. Kết quả nghiên cứu mới đây của một nhóm nghiên cứu ở Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng tác nhân gây chổi rồng là vi khuẩn thuộc nhóm gamma proteobacteria. Đây là vi khuẩn không thể nuôi cấy, sống trong mạch dẫn của cây, đặc biệt trên các đọt non và bệnh được lan truyền qua trung gian truyền bệnh là nhện E. dimocarpi. Tuy nhiên, việc xem vi khuẩn là tác nhân của chổi rồng chỉ là kết quả nghiên cứu bước đầu, chưa đủ cơ sở khẳng định một cách chắc chắn và cần nhiều nghiên cứu tiếp theo để khẳng định.

Nong_dan_don_bo_nhan_benh

TS. Hồ Văn Chiến, nguyên giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết, đến nay các kết quả nghiên cứu về tác nhân của chổi rồng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau ngay cả trong cùng một lãnh thổ. Các kết quả này do từng nhóm nghiên cứu độc lập thực hiện và các kết quả không được lặp lại dẫn đến không được công nhận rộng rãi thậm chí trong cùng một lãnh thổ. Sự chậm trễ và mâu thuẫn trong việc xác định tác nhân đối với một dịch hại như chổi rồng nhãn do tính chất phức tạp của nghiên cứu.

Để đối phó với dịch bệnh chổi rồng, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh chổi rồng trên nhãn để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Quy trình phòng trừ tổng hợp tập trung vào các kỹ thuật chủ yếu như: chăm sóc cây, bón phân cân đối, tạo tán cây thông thoáng, tưới nước hợp lý để có vườn cây khỏe, chống chịu tốt với bệnh hại và hạn chế sự phát triển của Nhện lông nhung. Sử dụng giống nhãn ít bị bệnh chổi rồng, phát hiện sớm các bộ phận cây bị bệnh để cắt bỏ, tiêu hủy. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ Nhện lông nhung.

Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật cũng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực của nông dân trong việc phát hiện và phòng trừ sớm khi bệnh mới chớm xuất hiện; đồng thời thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc. Đặc biệt là sự chỉ đạo và các chính sách hỗ trợ của địa phương để giúp dân tiêu hủy và ngăn chặn sớm nguồn bệnh, góp phần quản lý bền vững bệnh chổi rồng.

Ở Việt Nam, các khảo sát ngoài đồng cho thấy mức độ nhiễm chổi rồng của các giống nhãn ở Nam Bộ rất khác nhau. Có giống nhiễm nặng, nhiễm nhẹ hơn và có giống chưa thấy triệu chứng. Có 3 giống nhãn chưa xuất hiện triệu chứng, đó là nhãn Long, Super và Xuồng Cơm Vàng. Giống nhãn Idor cũng có khả năng bị nhiễm (chưa ghi nhận mức độ nặng). Do đó, có thể sử dụng giống chống chịu là một trong những giải pháp trong quản lý tổng hợp bệnh chổi rồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh chổi rồng gây thiệt hại nặng nề cho nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO