Bắt “đạo chích” trong... cơ thể

12/08/2020 21:12

KHPTO - Ngày nay, chúng ta ít nhiều nghe nói đến những từ “lạ” dùng trong y học như “gốc tự do” và chất chống oxy hóa... Vậy chúng là gì và có tác động gì lên sức khỏe?

Những “vụ trộm” liên hoàn

Hạt nhân của một nguyên tử được bao bọc bởi một đám mây điện tử. Những điện tử trong đám mây này luôn luôn bắt cặp với nhau để tạo ra một trạng thái vững bền. Nhưng sự đời đâu phải lúc nào cũng... “ngon cơm” như vậy. Đôi khi nguyên tử “lỡ” làm mất một điện tử thì sẽ làm cho những cặp đôi nguyên tử bỗng dưng đơn thân lẻ bóng. Nguyên tử này bấy giờ được gọi là “gốc tự do” (free radical) và luôn ở một trạng thái dễ bị “kích động”. Chúng tìm cách “chôm chỉa” điện tử của những nguyên tử kế cận. Những nguyên tử bỗng nhiên bị “mất của” này trở thành “gốc tự do” và lại tìm cách “chôm chỉa” điện tử của những nguyên tử khác. Cứ như vậy, ân đền oán trả cứ xảy ra liên tu bất tận và cuối cùng gây tổn hại cho tế bào.

Thiệt hại lớn

Gốc tự do thường xảy ra trong quá trình chuyển hóa. Đôi khi chính hệ miễn dịch của cơ thể cũng tạo ra gốc tự do để tiêu diệt virus và vi khuẩn. Tuy nhiên, gốc tự do gây lo ngại nhất là khi chúng được hình thành do sự ô nhiễm môi trường, phóng xạ, khói thuốc, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ...

Gốc tự do sẽ làm ngòi nổ cho vô số bệnh tật. Cơ thể chúng ta tạo ra năng lượng nhờ vào sự oxy hóa thực phẩm và dự trữ năng lượng dưới dạng ATP. Cơ chế tạo năng lượng này vốn rất quan trọng cho sự sống lại có thể hình thành những gốc tự do gây tổn hại tế bào do sự hình thành những vụ “chôm chỉa” điện tử liên hoàn như đã kể trên.

Màng của tế bào được cấu thành từ những phân tử chất béo chưa no và vì vậy rất nhạy cảm bởi sự phá hoại của các gốc tự do và tạo ra những chuỗi phản ứng không thể kiểm soát nỗi. Sự oxy hóa màng tế bào có thể dẫn tới sự phân giải hoặc làm chai cứng những phân tử lipid vốn tạo nên thành tế bào. Nếu thành tế bào trở nên chai cứng do các phân tử lipid bị oxy hóa thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào, đồng thời ngăn chặn sự trao đổi tín hiệu giữa các tế bào với nhau, các hoạt động tế bào khác cũng bị ảnh hưởng. Nơi dễ bị “dính chấu” nhất là DNA. Gốc tự do được cho là nguyên nhân hàng đầu gây ra các rối loạn về tim mạch và vô số các bệnh hiểm nghèo khác...

“Hiệp sĩ” giữa đàng

Cơ thể chúng ta tìm mọi cách bảo vệ trước sự tàn phá của những gốc tự do bằng cách tạo ra những enzym để “dẹp loạn” chúng. Tuy nhiên, những enzym này cũng chưa đủ “võ công” để có thể... ăn thua đủ với các gốc tự do. Vì vậy phải cần sự trợ giúp của những “hiệp sĩ” mang cái tên nghĩa hiệp là “chất chống oxy hóa” (antioxidants). Những “hiệp sĩ” này sẽ vào cơ thể nhờ vào thực phẩm. Các chất chống oxy hóa sẽ “cảm hóa” các gốc tự do bằng cách “ban phát” cho các gốc tự do những điện tử bị thiếu mất làm cho gốc tự do bỏ thói “chôm chỉa”, ngăn chặn những vụ trộm điện tử liên hoàn. Chất chống oxy hóa rất nổi tiếng là curcuminoids có trong củ nghệ. Những chất oxy hóa khác bao gồm vitamin E, vitamin C, tiền vitamin A, selenium... Để có tác động kháng oxy hóa thì chúng ta cần đưa thêm những thực phẩm hoặc bổ sung các vitamin và khoáng tố vào cơ thể đủ với liều lượng được đề nghị mỗi ngày. Cụ thể như sau:

- Vitamin E: là loại vitamin tan trong dầu, tìm thấy ở hạt, dầu cá, ngũ cốc (nguyên hạt)... Mỗi ngày cần cung cấp 12 IU (đơn vị quốc tế) cho phụ nữ và 15 IU cho nam giới.

- Vitamin C được tìm thấy trong cam, chanh, bông cải xanh, cải bó xôi, dâu tây. Liều lượng mỗi ngày là 60 mg.

Ngoài ra, cũng lưu ý lựa chọn loại đồ ăn, thức uống gia vị được cho là có nhiều chất chống oxy hóa như rượu nho đỏ, trà xanh, hành, tỏi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt “đạo chích” trong... cơ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO