Bạo lực học đường: hậu quả của việc chú trọng “dạy chữ” xem nhẹ “dạy người”

16/12/2010 08:49

Nạn bạo hành trong nhà trường, đặc biệt là trường phổ thông hiện nay đang gây nhiều bức xúc trong xã hội, gia đình và các nhà giáo. Dường như theo thời gian, sự việc này ngày càng tăng. Các giải pháp ngăn chặn tình trạng vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Cái gốc của sự việc là nhà trường, ngay từ bậc tiểu học tới trung học cơ sở, trung học phổ thông đã không lấy cái nền, cái cơ bản, đó là đào tạo con người với việc phát triển nhân cách theo hướng tích cực, toàn diện. Những môn về giáo dục công dân, giáo dục con người bị xem “cực nhẹ” từ tiểu học đến trung học, các thầy cô giáo dạy không nhiệt tình, không có tấm lòng, dạy để mà dạy, để đối phó với điểm số. Những điểm số này không phản ánh đúng sự phát triển nhân cách của học sinh. Cách đánh giá đó là sai lầm. Phải nói thẳng một điều: quá coi trọng dạy chữ, quá coi nhẹ dạy người. Chính vì vậy, đây là một hệ quả tất yếu dẫn đến bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều.

Môi trường xã hội hiện nay rất nhiều nọc độc văn hoá, với nhiều hình thức khác nhau của bạo lực, nó cổ vũ bạo lực trong rất nhiều trò chơi, xuất hiện nhan nhản ở khắp nơi, trong game, trong sách, phim ảnh, gần như được mua bán hết sức tự do và cực kỳ phổ biến, với giá cực kỳ thấp. Những đứa trẻ, theo tôi, ngay từ cuối bậc học tiểu học đã chịu ảnh hưởng. Trong khi đó, gia đình rất lơ là, xã hội cũng vậy, nhà trường thì chỉ chú tâm đến dạy chữ, như vậy thử hỏi làm sao đứa trẻ có thể phát triển tốt được? Chính vì vậy, khi đến tuổi “bùng nổ”, tuổi “nổi loạn”(12 – 18 tuổi), các em muốn tự khẳng định mình, muốn trở thành “người lớn”, người trưởng thành, có thể tự lực, suy nghĩ và giải quyết mọi vấn đề mà không cần phải nhờ cha mẹ, thầy cô, xã hội hỗ trợ. Nếu chúng ta giáo dục trẻ ngay từ bậc tiểu học phát triển nhân cách hài hoà, tích cực thì sự “khẳng định” đó sẽ rất “đẹp”, trẻ sẽ đi vào những hoạt động công ích, hoạt động xã hội, mang tính tích cực, cộng đồng, từ thiện rất cao. Nhưng đáng tiếc là chúng ta không làm được điều đó.

Các hoạt động ngoại khoá của chúng ta cũng chỉ mang tính phong trào, chưa đi vào chiều sâu tâm hồn của trẻ. Sinh hoạt Đoàn, Đội phải làm sao để thông qua đó, trẻ khẳng định mình, phát triển nhân cách tích cực. Thực tế vai trò của Đoàn, Đội trong nhà trường vẫn còn khá lu mờ, hiệu quả chưa cao.

Để đối phó với các kỳ thi, đối phó với việc học tập (lấy học chữ làm trọng tâm), các thầy cô giáo chỉ chú tâm lo truyền giảng những kiến thức, thay vì truyền đạt cái tâm, tấm lòng, tính nhân hậu, sự trung thực, tinh thần trách nhiệm cho trẻ. Bợi vậy các em chưa có được những đức tính cao quý đó. Qua các kỳ thi, chúng ta chỉ kiểm tra “chữ” và “chữ”. Chúng ta đánh giá hạnh kiểm rất phiếm diện qua kết quả học tập nào đó, để xét hạnh kiểm tốt hay trung bình. Vì vậy, đứa trẻ sống hai mặt, nó là một đứa trẻ trả bài rất tốt, rất hay, rất thuộc, điểm đạo đức là 10, nhưng thực chất, hạnh kiểm, đạo đức không phải như điểm số đó, khi trẻ ra ngoài cùng bạn bè, ra ngoài xã hội thì hạnh kiểm và đạo đức chỉ đạt “điểm” 3 hay 4 mà thôi, nói chung là dưới 5, nhưng vẫn được xếp vào loại đạo đức tốt. Thử nhìn lại cách đánh giá của chúng ta như thế nào? Sai lầm như thế nào? Hậu quả ra sao? Không có nền giáo dục nhân cách ở phổ thông, những thế hệ trẻ, khi ra đời, những tiêu cực trong nhân cách sẽ phát triển mạnh, và tệ nạn tham nhũng, trốn thuế, bạo lực trong xã hội sẽ gia tăng. Đó là hệ quả do chúng ta coi nhẹ việc giáo dục con người.

Con người sống trước tiên là phải hài hoà giữa tình cảm, đạo đức và trí tuệ, nhưng rõ ràng chúng ta đã bị lệch, ngành giáo dục đã lệch, chúng ta chỉ muốn giáo dục “cái chữ”, nhưng “chữ” ở đây cũng không phải là trí tuệ, chỉ là “chữ” đơn thuần, đó là sự học vẹt. Với tuổi “nổi loạn”, khi bị lệch, các em sẽ khẳng định mình bằng sức mạnh, bằng nấm đấm. Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, bạo lực là tính bẩm sinh, là bản năng gốc của con người, nếu giáo dục không “dập tắt”, không làm “chìm” đi được bản năng đó thì nó sẽ bùng nổ.

Điều mà tôi muốn nói là phải đi từ gốc, muốn vậy phải có một triết lý giáo dục, là con đường, là định hướng mà chúng ta phải đi, phải đào tạo con người như thế nào. Chẳng hạn, triết lý giáo dục là khoa học, là dân tộc, là đại chúng. Một nền giáo dục phải mang tính khoa học, không dạy thiên lệch, một chiều, phải vô tư khách quan và trung thực, không được trình bày sai lệch quan điểm. Còn dân tộc là gì? Qua các môn học, các giờ sinh hoạt ngoại khoá, qua các chủ đề trong sinh hoạt Đoàn, Đội chúng ta dạy cho học sinh hiểu rằng, cha ông của các em đã chiến đấu như thế nào, đã sống như thế nào, đã gian nan cực khổ ra sao để mảnh đất này, quê hương này thuộc về các em, những thế hệ trẻ của ngày hôm nay, các em phải phát huy sức mạnh đó để giữ gìn nền độc lập, sự tự do của bản thân mình và dân tộc mình. Đại chúng có nghĩa là xây dựng một chương trình học cho mọi người chứ không phải chỉ dành cho những người “tinh hoa”. Khi đã có triết lý đào tạo con người, chúng ta lập mục tiêu đào tạo cho từng bậc học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo lực học đường: hậu quả của việc chú trọng “dạy chữ” xem nhẹ “dạy người”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO