Bảo hiểm y tế tự nguyện giảm sức hấp dẫn - Vì sao?

29/06/2007 16:37

Để khắc phục tình trạng bội chi trong khám chữa bệnh cho các đối tượng bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN), tháng 3/2007 liên Bộ y tế và tài chính đã ra thông tư 06 về thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện, áp dụng từ 1/5/2007. Nhiều bất cập đã bộc lộ trong quá trình triển khai thực hiện quy định mới này đã khiến hình thức BHYTTN - cứu cánh của nhiều bệnh nhân nghèo - không còn sức hấp dẫn. Số lượng người tham gia đã sụt giảm nhanh chóng.

Trước đây TP.HCM có 2,4 triệu người tham gia BHYT trong đó có 1,1 triệu là dạng tự nguyện, nhưng nay sau khi triển khai theo thông tư mới chỉ còn khoảng 2.000 người tham gia dạng tự nguyện. Ngày 26/6/2007, Ban văn hóa xã hội của Hội đồng nhân dân TP.HCM đã có buổi làm việc cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố và các ban ngành liên quan về vấn đề này.

Khó vận động đủ 10% dân trong khu vực

Thông tư này quy định mức đóng tăng lên 320.000 đ/người/năm ở nội thành (mức cũ là 160.000 đ) và 240.000 đ ở ngoại thành (mức cũ là 120.000 đ); học sinh - sinh viên là 90.000 đ và 70.000 đ. Về quyền lợi, áp dụng chế độ đồng chi trả 20% trong khám chữa bệnh, riêng khám ngoại trú nếu chi phí dưới 100.000 đ thì không phải đồng chi trả 20%. Cũng theo thông tư này, điều kiện tham gia BHYTTN là 100% thành viên trong gia đình phải tham gia, chỉ trừ trẻ dưới 6 tuổi và người đã có thẻ BHYT; đồng thời phải có ít nhất 10% số hộ trong khu vực cùng tham gia.

Ông Bùi Đức Tráng, phó giám đốc Bảo hiểm y tế TP.HCM cho rằng, việc điều chỉnh mức giá là cần thiết, tuy nhiên mức phí tăng gấp đôi với người dân và gấp 1,5 lần đối với học sinh, sinh viên là khá cao, trong điều kiện thu nhập của đa số người dân còn ở mức trung bình thấp và nhất là phải đăng ký tham gia cho cả hộ.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, phó ban Văn hóa xã hội, quy định phải đủ 10% dân trong khu vực tham gia là bất hợp lý và cần xem lại. Điều này có nghĩa là dù hộ gia đình tham gia 100% nhưng phải chờ đến khi đủ 10% số hộ trong khu vực tham gia mới được phát thẻ là gây khó khăn cho dân. Mặt khác, ở những khu dân cư nghèo, đông dân mà vận động được đủ 10% dân tham gia là cả một vấn đề. Hiện nay có tình trạng người dân lên phường đóng tiền nhưng nhân viên chỉ ghi nhận mà không dám thu vì sợ không vận động đủ 10% số dân trong khu vực. Ngược lại, ở những quận trung tâm, nơi người dân có thu nhập cao không tham gia BHYT thì những hộ nghèo ở khu vực này sẽ phải chịu thiệt thòi.

Những bất cập khác

Đồng chi trả 20% là hợp lý, tuy nhiên theo BS. Nguyễn Văn Châu, giám đốc BV. Củ Chi, với bệnh nhân khám ngoại trú nếu chi phí dưới 100.000 đ không phải đồng chi trả là không hợp lý và cần bỏ quy định này. Bác sĩ khi kê toa không biết giá thuốc là bao nhiêu nhưng khi bệnh nhân đi lấy thuốc nếu thấy số tiền vượt quá 100.000 đ lại phải quay lên yêu cầu bác sĩ giảm thuốc xuống cho khỏi phải đóng tiền, như vậy lại thêm gánh nặng cho nhân viên y tế mà bệnh nhân cũng phải mất thời gian chờ để nhân viên làm các thủ tục để được miễn.

Với các bệnh nhân bị bệnh mãn tính, trước đây bác sĩthường cho thuốc 2 tuần mới tái khám, nhưng nay với quy định này, để giảm tiền thuốc cho mỗi lần khám, bệnh nhân yêu cầu bác sĩ khám và cho thuốc làm nhiều lần, vô hình chung lại làm tăng giả tạo số lượng bệnh nhân và áp lực cho ngành y tế.

Đại diện Bệnh viện ung bướu TP.HCM cho rằng, để tránh tình trạng lạm dụng thẻ BHYT, cơ quan BHYT nên dán thêm hình bệnh nhân lên thẻ. Hiện nay quy định mới là phải có chứng minh nhân dân nhưng bệnh nhân có khi quên không đem trong khi nhà họ ở tận tỉnh khác. Nếu giải quyết thì không biết có đúng đối tượng không, còn không giải quyết thì bệnh nhân thắc mắc. Ngoài ra, cơ quan BHYT nên xem lại cách viết mã số trên thẻ vì rất phức tạp khiến việc nhập vào máy dễ bị nhầm lẫn.

BS. Nguyễn Thanh Minh, phó giám đốc BV nhân dân Gia Định cho biết, theo quy định phải sau 30 ngày nộp tiền người bệnh mới được cấp thẻ, còn muốn hưởng khám chữa bệnh kỹ thuật cao thì phải sau 6 tháng, hưởng chi trả phí sinh đẻ phải sau 9 tháng, muốn điều trị ung thư phải sau 3 năm… sẽ gây khó khăn cho người dân vì bệnh thì phải điều trị liên tục. Đồng tình với ý kiến này, BS. Huỳnh Thị Thu Thủy, phó giám đốc BV Từ Dũ băn khoăn, nếu thai phụ bị sảy thai, sinh non thì không được hưởng, nhưng nếu trong khi mổ lấy thai phát hiện u nang, u xơ thì thanh toán ra sao.

Đường dây nóng của Bảo hiểm y tế TP.HCM:

- Giải đáp thủ tục tham gia: 9330517.

-Giải đáp quyền lợi của người tham gia: 9330656.

Điều mà nhiều người bức xúc nhất, trong đó có BS. Nguyễn Thế Dũng, giám đốc Sở y tế TP.HCM, là những người tham gia BHYTTN theo thông tư 22 sẽ hết hạn thẻ vào ngày 30/ 6/2007, việc cấp phát thẻ mới nếu suôn sẻ cũng phải đầu tháng 8 mới có. Vậy người bệnh đang điều trị sẽ ra sao khi quy định 06 quá ngặt nghèo như vậy? BS. Dũng đề nghị BHYT nên tạm thời giải quyết gia hạn theo thông tư 22.

Để có thể tháo gỡ các vướng mắc kể trên, bà Nguyễn Bạch Yến, trưởng ban VHXH cũng đề nghị Sở y tế TP.HCM và cơ quan BHXH nên cùng nhau bàn bạc để đưa ra các kiến nghị sửa đổi, bổ sung gởi lên cơ quan cấp trên. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm y tế tự nguyện giảm sức hấp dẫn - Vì sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO