Báo động về việc gia tăng bệnh loãng xương và béo phì

P.V| 14/11/2017 16:41

KHPT-Trong tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển TP.HCM 2017” vào tháng 10/2017 vừa qua, Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM đã báo động về việc một số bệnh không lây nhiễm, hiện đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, điển hình là bệnh loãng xương và béo phì…

Theo báo cáo của Hiệp hội loãng xương quốc tế, mỗi năm trên thế giới có khoảng 200 triệu người bị loãng xương, khoảng 1/4 số phụ nữ trên 60 tuổi bị gãy xương do loãng xương. Còn theo nghiên cứu, khảo sát của Viện dinh dưỡng, bệnh loãng xương tại Việt Nam đã vượt mức báo động. Ước tính hiện có gần 3 triệu người Việt Nam bị loãng xương, trong đó phụ nữ chiếm 76% và có trên 170.000 trường hợp gãy xương do loãng xương.

Loãng xương không có dấu hiệu báo trước và không biểu hiện rõ rệt ra bên ngoài nên rất khó nhận biết, nhiều bệnh nhân không biết về bệnh loãng xương và những ảnh hưởng nghiêm trọng của căn bệnh này tới chất lượng cuộc sống.

Hầu hết bệnh nhân khi nhập viện đều đã bước vào giai đoạn nặng với những biến chứng nặng nề như gãy xương tại cột sống và các vị trí xương khác như cổ tay, cổ xương đùi… Ở giai đoạn này, việc điều trị thường rất tốn kém do phải sử dụng những loại thuốc đặc trị, phải điều trị nhiều đợt liên tục và kéo dài trong nhiều năm.

Để có bộ xương khỏe và phòng gãy xương cần thực hiện chế độ dinh dưỡng, và sinh hoạt như sau:

- Ăn uống hợp lý, ăn uống đầy đủ calci, vitamin D và các chất khoáng vitamin cần thiết cho xương như phosphor, Mg, kẽm, iod...

- Thường xuyên tập thể dục thể thao.

- Phòng tránh té ngã.

- Loại bỏ những yếu tố nguy cơ gây loãng xương như hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu.

- Sử dụng thiết bị bảo vệ hông và phương tiện hỗ trợ khi di chuyển ở người cao tuổi...

Béo phì

Béo phì đang tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới và trở thành một trong những thách thức lớn đối với chương trình chăm sóc sức khỏe ở mọi quốc gia. Hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 1,9 tỷ người trưởng thành bị thừa cân - tương đương với 39% dân số - trong đó có 600 triệu người bị béo phì.

Ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Tại TP.HCM, có 38% phụ nữ tuổi sinh đẻ bị thừa cân béo phì. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân béo phì tại TP.HCM năm 2015 là 11%, vượt mức trung bình toàn cầu khoảng 7%. Trẻ em tuổi học đường bị thừa cân béo phì lên đến 41,4%, trong đó có 19% là béo phì, cao nhất các tỉnh thành.

Thừa cân béo phì làm gia tăng các bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, vô sinh và các bệnh về xương khớp. Chi phí cho điều trị thừa cân béo phì và các bệnh lý liên quan chiếm hơn 10% tổng chi phí y tế và là một thách thức lớn với các nước đang phát triển, đông dân và còn nhiều khó khăn về kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Béo phì hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách thực hành chế độ dinh dưỡng phù hợp và tăng cường hoạt động thể lực.

Cụ thể như:

- Nên thực hành chế độ ăn đa dạng thực phẩm, đảm bảo ăn đủ 400 g rau, 100 g trái cây hàng ngày.

- Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Không ăn mặn. Hạn chế đường, thức ăn ngọt và đồ uống có đường.

- Hạn chế ăn mỡ, da và phủ tạng động vật, món chiên xào.

- Ăn đúng giờ, ăn đủ bữa, không bỏ bữa. Hạn chế ăn sau 20 giờ.

- Tăng cường vận động, thông qua luyện tập thể dục thể thao, việc nhà, di chuyển, hình thức vui chơi, giải trí. Thời gian vận động 60 phút với cường độ trung bình và mạnh hàng ngày.

- Nên tham gia ít nhất một môn thể thao như bơi, võ, các môn bóng, khiêu vũ, thể hình, tạ…

- Khuyến khích đi bộ và đạp xe đến trường. Giảm thời gian hoạt động tĩnh tại không quá 2 giờ một ngày. Không thức khuya.

Phòng chống bệnh loãng xương, hay béo phì không quá khó theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, mỗi người cần chủ động kiểm soát cân nặng thông qua duy trì lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, năng động để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động về việc gia tăng bệnh loãng xương và béo phì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO