Báo động tình trạng lãng phí năng lượng trong đời sống và sản xuất

26/10/2007 08:45

Ông Lê Văn Chung Anh, chuyên viên năng lượng của Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM (Sở KHCN) cho biết, hiện nay việc sử dụng lãng phí năng lượng trong sản xuất đời sống vẫn còn khá cao, đáng ngại nhất là các nhà máy thép, trung bình hàng tháng một nhà máy thép tiêu thụ điện cho sản xuất còn nhiều hơn lượng điện sử dụng cả một tỉnh... Ngoài ra, rất nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng đang tiêu tốn khá nhiều năng lượng, trong khi khả năng có thể tiết kiệm năng lượng vẫn còn nhiều.

Nhiều bất cập trong mục tiêu thực hiện tiết kiệm năng lượng

Thời gian qua các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang trở thành một mục tiêu, một xu hướng trong tất cả mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Thế nhưng quá trình thực thi tiết kiệm năng lượng vẫn còn không ít những bất cập. Nhiều vấn đề về tiết kiệm năng lượng trong sản xuất cần phải sớm được xem xét để có những điều chỉnh hợp lý. Sản xuất thép, xi măng, gốm sứ… là những ngành tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Một số nước phát triển đang có xu hướng chuyển các ngành này sang các nước chậm phát triển hơn nhưng lại có nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên về năng lượng còn khá dồi dào. Việt Nam hiện đang tiếp nhận khá nhiều nhà máy thép từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Lê Văn Chung Anh, trong quá trình sản xuất ở nước ta hiện nay, để tạo ra 1.000 đô la, cần phải tiêu tốn khoảng 500 kg lượng dầu quy đổi, trong khi ở Nhật chỉ cần 100 kg (ít hơn 5 lần). Trong xu thế hội nhập, nếu không rút ngắn khoảng cách này, sức cạnh tranh của Việt Nam sẽ yếu thế hơn.

Thực tế vẫn còn không ít những cán bộ quản lý chưa hiểu đúng về tiết kiệm năng lượng. Như trường hợp tại tỉnh Sóc Trăng, một cán bộ phụ trách về tiết kiệm năng lượng đã cho rằng Sóc Trăng chủ yếu làm nông nghiệp, sản xuất công nghiệp còn khiêm tốn, nên đâu có “chỗ” nào để thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Trong khi đó, ông Chung Anh cho biết: “Khả năng tiết kiệm năng lượng trong nông nghiệp là rất lớn, chẳng hạn như trong việc tưới tiêu, biện pháp hợp lý sẽ giúp tiết kiệm đáng kể điện năng tiêu thụ cũng như nguồn nước sử dụng”.

Tiết kiệm năng lượng không chỉ nằm ở lĩnh vực sản xuất công - nông nghiệp mà cả trong đời sống hàng ngày. Theo các chuyên gia năng lượng, tiền mua máy lạnh (tuy khá cao) thật ra chỉ chiếm 4% giá trị của máy, và chi phí bảo trì chiếm 1%, song khoản tiền điện phải chi trả chiếm đến 95%, do vậy tiết kiệm không phải là mua máy lạnh rẻ tiền, công suất nhỏ, mà phải mua máy có hiệu suất cao (làm lạnh nhanh và ít tốn kém điện).

“Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng rất dư thừa ánh sáng mặt trời, song mức tận dụng nguồn năng lượng này hiện nay vẫn còn rất thấp. Ngay cả ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, vấn đề tiết kiệm năng lượng vẫn chưa được tính đến trong quy hoạch”, một cán bộ về năng lượng cho biết.

Sẽ có luật về tiết kiệm năng lượng

Ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM cho biết, dự kiến theo kế hoạch từ năm 2008 - 2010, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xây dựng luật tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong năm 2008, Trung tâm tiết kiệm năng lượng Thành phố sẽ làm thí điểm thực hiện việc xây dựng các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng, cụ thể như việc công bố rõ mức tiêu hao năng lượng và hiệu suất của thiết bị cho bóng đèn, quạt, tủ lạnh, máy lạnh, mô-tơ…

Ông Huỳnh Kim Tước cho biết thêm, trong năm 2008, Trung tâm tiết kiệm năng lượng Thành phố (phối hợp với các chuyên gia năng lượng ở các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty chuyên về năng lượng…) sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng việc thực hiện tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực sản xuất, và thực hiện miễn phí việc kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp, qua đó đề xuất cho các doanh nghiệp các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. Ngoài ra cũng sẽ triển khai thêm việc khảo sát đánh giá và đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các cao ốc. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động tình trạng lãng phí năng lượng trong đời sống và sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO