Báo động rác thải nông thôn

MINH TÚ| 04/01/2019 11:17

KHPTO - Theo khảo sát của Bộ tài nguyên và môi trường, hiện tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chỉ mới đạt khoảng 40 - 55%. Phần lớn chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh nên gây ô nhiễm môi trường, chiếm diện tích lớn.

Mô hình chủ yếu là giao các tổ tự quản của thôn, xã thu gom rác trong khu dân cư, vận chuyển đến điểm tập kết và doanh nghiệp thu gom vận chuyển từ các điểm tập kết về khu xử lý tập trung của huyện, thành phố. Do phương tiện xe gom không đủ, không đúng quy cách, thời gian thu gom không thống nhất... dẫn tới rác tồn đọng trong khu dân cư. Hầu hết ở các thôn, ấp, xã, phải từ 2 đến 3 ngày, thậm chí có nơi 10 ngày mới thu gom rác một lần. Điểm tập kết rác thường bố trí ở đầu thôn, xóm, mặt đường giao thông chính của xã, không được che đậy kín dẫn đến ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan làng, xóm... Thực trạng này đòi hỏi phải có sự thay đổi về lâu dài theo hướng chuyên nghiệp trong việc thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh an toàn môi trường nông thôn và cho người dân...

Đáng quan tâm hiện nay là ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ô nhiễm môi trường từ các làng nghề thủ công, hoạt động chăn nuôi, thói quen xả rác thải; chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định... Tại các địa phương, công tác quản lý chất thải rắn cũng đang trong tình trạng không thống nhất, nơi do ngành tài nguyên và môi trường quản lý, nơi lại do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm. Riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt ở vùng nông thôn và chất thải rắn làng nghề, công tác quản lý vẫn còn bỏ ngỏ.

Hiện nay, việc quy hoạch khu vực xử lý rác thải ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn. Kết quả khảo sát của Bộ tài nguyên và môi trường tại 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tại nhiều tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, hầu hết các bãi chôn lấp rác thải đều không hợp vệ sinh.

Theo Bộ tài nguyên và môi trường, trên cả nước có khoảng 100 lò đốt rác thải sinh hoạt, đa số là các lò đốt cỡ nhỏ, công suất dưới 500 kg/giờ, các thông số chi tiết về tính năng kỹ thuật khác của lò đốt chưa được thống kê đầy đủ. Trong đó, có khoảng 2/3 lò đốt được sản xuất, lắp ráp trong nước. Một số lò đốt công suất nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải và trên ống khói không có điểm lấy mẫu khí thải; không có thiết kế, hồ sơ giấy tờ liên quan tới lò đốt. Các lò đốt rác công suất nhỏ có thể là nguồn gây ô nhiễm môi trường thứ cấp nếu việc vận hành không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, làm phát sinh các khí thải độc hại như: dioxin, furan…

Nhiều địa phương hiện đang chuyển sang áp dụng công nghệ compost xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ, với 30 nhà máy trên cả nước. Ưu điểm của công nghệ này là đơn giản, không tốn diện tích đất và không phát sinh nước thải ra môi trường ngoài.

Theo Tổng cục môi trường, Bộ tài nguyên và môi trường, để giải bài toán rác thải nông thôn, trước mắt là UBND các xã, thị trấn cần quy hoạch khu xử lý rác thải, thành lập tổ vệ sinh môi trường thu gom rác thải. Các nhân viên thu gom cần được trang bị đủ công cụ đạt tiêu chuẩn như: xe chở rác, cuốc, xẻng, quần áo bảo hộ lao động, khẩu trang, chổi... Từ đó, rác thải được thu gom chuyển đến các điểm tập kết để vận chuyển đến khu xử lý tập trung. Ngoài ra, các trạm trung chuyển rác thải phải được bố trí tại các địa điểm thuận tiện giao thông, không gây cản trở các hoạt động giao thông chung, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Các khu xử lý rác thải cần được quy hoạch ở vị trí phù hợp với nguồn phát sinh rác thải, tại khu đất trống, không phá hoại cảnh quan, xa khu dân cư, không nằm trong khu vực thường xuyên bị ngập sâu trong nước, không nằm trong vùng phân lũ của các lưu vực sông, không nằm ở vị trí đầu nguồn nước...

Quy mô cơ sở xử lý rác thải và các công trình phụ trợ được xác định trên cơ sở quy mô dân số, lượng chất thải hiện tại và thời gian hoạt động, cũng cần tính đến sự gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và khối lượng rác thải tương ứng trong tương lai. Đối với các điểm dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để xử lý rác thải, các mô hình như: vườn - ao - chuồng (VAC), thùng chứa rác tự tạo, hầm chứa rác tự xây, hố chứa rác tự phân hủy, hố ủ phân rác trát bùn… nên được đẩy mạnh sử dụng tại hộ gia đình để xử lý rác thải phát sinh từ sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi.

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều địa phương đã có những giải pháp hữu hiệu, điển hình như ở nông thôn ngoại thành TP.HCM, việc xử lý chất thải trong quá trình sản xuất khá tốt. Theo đó, ngoài các khu xử lý chất thải tại chỗ do thành phố đầu tư xây dựng, việc tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, không xả rác bừa bãi; mỗi tuần, các hộ dân dành 15 phút tự dọn dẹp đoạn đường ngay trước nhà mình có ý nghĩa quan trọng.

Ở một số nơi không đủ điều kiện thu gom rác như xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, chính quyền địa phương còn hướng dẫn hàng trăm hộ gia đình tự xử lý rác thải bằng cách ủ phân... Đây là những việc làm không cần huy động sự đóng góp kinh phí của người dân nhưng vẫn đem lại kết quả cao, cần phát huy, nhân rộng.

Đồng thời, các tổ chức, đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tập quán, thói quen xả rác thải, chất thải tùy tiện của các hộ dân, nhân rộng các tuyến đường xanh, sạch, đẹp do phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh khu dân cư tự quản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động rác thải nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO