Báo động ô nhiễm kim loại chì trong rau thủy sinh tại TP.HCM

02/06/2007 09:54

Hiện tại TP.HCM có khoảng 200 ha (trong tổng số 5.000 ha) rau muống nước được trồng ở vùng kênh rạch, mặt nước ô nhiễm. Khảo sát và phân tích hàm lượng chì trong rau thủy sinh của Phân viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động TP.HCM cho thấy có đến 16/25 mẫu có hàm lượng chì vượt quá quy định cho phép trong trồng rau an toàn (từ 0,5 - 1,0 mg/kg), dấy lên lo ngại về mối nguy hại từ những món rau ăn thường ngày của đông đảo người dân.

Theo số liệu khảo sát chưa đầy đủ của ngành môi trường, mỗi ngày các kênh rạch, ao hồ ở TP.HCM phải tiếp nhận khoảng 400.000 m3 nước thải từ các cơ sở sản xuất và khoảng 17.000 m3 nước thải bệnh viện và một lượng lớn chất thải sinh hoạt. Tình trạng ô nhiễm ở các kênh rạch ngày càng trầm trọng, trong đó ô nhiễm kim loại chì (từ nước thải công nghiệp dệt, xi mạ, sản xuất pin, ắc quy, luyện kim loại, nước thải các bãi rác…) chiếm một tỉ lệ cao, làm ô nhiễm nguồn nước mặt và có thể ngấm xuống làm ô nhiễm mạch nước ngầm. Bên cạnh đó, hàm lượng chì hòa tan trong nước mặt đã xâm nhập vào các loại cây trồng, đặc biệt là các loại rau thủy sinh như rau muống, rau nhút, ngó sen, cần nước… Hiện tại thành phố có khoảng 200 ha (trong tổng số 5.000 ha) rau muống nước được trồng ở vùng kênh rạch, mặt nước ô nhiễm hoặc dẫn nước ô nhiễm vào ruộng rau.

Tác động của ô nhiễm chì

đến sức khỏe con người

Các nhà khoa học trên thế giới khẳng định ô nhiễm chì là một hiểm họa của môi trường và nhiễm độc chì có ảnh hưởng đặc biệt đến sức khỏe con người, nhất là đối với trẻ em. Hàng ngày chúng ta tiếp xúc nhiều với nguồn ô nhiễm có chứa chất độc của chì như chì trong xăng dầu, trong khói thải các loại động cơ, bụi công nghiệp, trong men gốm sứ, trong hệ thống cấp nước, đồ chơi trẻ em, các loại sơn... Ngoài ra, chúng ta cũng đã dung nạp vào cơ thể một lượng chì bằng con đường ăn uống. Mặc dù chất độc của chì trong các dạng trên không làm ngộ độc cấp tính hoặc gây chết ngay nhưng nếu dùng phải thức ăn có hàm lượng chì cao trong thời gian dài thì chúng sẽ tích lũy hấp thụ dần một cách âm thầm, hủy hoại dần cơ thể con người.

ThS. Đặng Thị Thảo (Phân viện nghiên cứu KHKT bảo hộ lao động TP.HCM) đã tiến hành khảo sát và phân tích hàm lượng chì trong rau thủy sinh (rau muống, rau nhút, rau ngổ), những loại rau có bộ rễ phát triển rất mạnh trong môi trường nước. Các loại rau này có năng suất cao, dễ trồng, có thể tận dụng nước kênh hay diện tích mặt nước ao hồ có nguồn thải từ sản xuất công, nông nghiệp, chất thải sinh hoạt... Nguồn nước này được nhiều người trồng rau cho rằng có đủ chất dinh dưỡng để nuôi cây! Nhiều nông dân còn sử dụng xăng dầu, nhớt cặn pha với thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ sâu rầy trên rau. Điều này làm tăng thêm việc ô nhiễm kim loại nặng và các loại độc chất vào rau ăn; thực tế là người trồng rau cũng không dám ăn rau do mình trồng...

Kết quả phân tích hàm lượng chì qua các mẫu rau lấy tại Thủ Đức (phường Trường Thọ, Linh Trung), Bình Chánh (chợ Vĩnh Lộc B), Gò Vấp (chợ Gò Vấp, cầu Trường Đai), quận 12 (Thới An, Thạnh Xuân), chợ Bến Thành, chợ An Đông cho thấy: có sự khác nhau khá lớn về làm lượng chì giữa các mẫu, điều này có thể lý giải là nước trồng rau và rau được trồng trên rạch tùy thuộc vào nồng độ chất thải chảy từng đợt vào kênh. Theo QĐ1057 của Bộ y tế, hàm lượng kim loại nặng ở mức cho phép là 2 mg/kg. So với tiêu chuẩn này, hàm lượng chì trong mẫu rau muống, rau nhút khảo sát chưa vượt tiêu chuẩn cho phép (những nơi cao như: phường Trường Thọ 1,22 mg/kg; Thạnh Xuân 1,85 mg/kg; chợ Gò Vấp 1,17 mg/kg...). Nhưng theo QĐ03/CP và 86/CP- quy định tạm thời về sản xuất rau an toàn (cho phép từ 0,5 - 1 mg/kg) thì có đến 16/25 mẫu vượt quá quy định cho phép và có thể kết luận đó là rau không an toàn. Đối với nước trồng rau theo tiêu chuẩn TCVN 5942 - 1995 ở một số ruộng được dẫn từ nước kênh vào thì mức độ ô nhiễm trong nước này cao hơn tiêu chuẩn cho phép khá nhiều.

Trong thời gian chờ đợi những quy định, biện pháp quản lý vĩ mô của nhà nước, theo ThS. Đặng Thị Thảo thì tại các chợ đầu mối, khi kiểm tra mẫu rau không an toàn, cơ quan chức năng cần có biện pháp cứng rắn. Cụ thể là phạt tiền nặng hoặc tịch thu sản phẩm, tạm ngưng giao dịch buôn bán... Nên giao việc quản lý về an toàn thực phẩm, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng trong rau cho địa phương tại nơi canh tác quản lý. Các địa phương có diện tích canh tác rau nằm trong vùng ô nhiễm cần có kế hoạch cho vay vốn đào giếng, mua máy bơm, tạo điều kiện cho nông dân sử dụng nguồn nước sạch để tưới rau. Nếu cần có thể thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành nghề tại các vùng rau. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động ô nhiễm kim loại chì trong rau thủy sinh tại TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO