Bài 2: Đi qua vùng khô khát

Bài và ảnh: VỸ PHƯỢNG| 01/04/2020 11:26

KHPTO - Từ tháng 10/2019 đến nay, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau chưa đón bất kỳ một cơn mưa nào, hàng trăm kênh rạch tại đây khô kiệt nước, lớp đất mặt nứt nẻ để lộ những khoảnh nứt sâu rộng.> Bài 2: Đi qua vùng khô khát/ Bài 1: Vùng ngọt hóa đang sụt lún nghiêm trọng

Những xóm làng “mặn chát”

Dọc theo các xã Trần Hợi, Khánh Hải, Khánh Hưng, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc... chúng tôi chứng kiến rất nhiều đồng đất phơi mình giữa cái nắng thiêu đốt, lộ rõ những đám rạ khô khốc. Và rất ít đồng đất được cày xới, cải tạo vì người dân sợ đất bị bạc màu nếu khô hạn còn kéo dài.

Đến UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, gặp chủ tịch UBND xã Trần Thanh Đoàn, được biết, trong đợt hạn mặn này, địa phương có khoảng 1.000 hộ dân có lúa (350.000 ha) bị thiệt hại.

Trong đó, hầu hết được canh tác trên đất gò, năm nay hạn mặn lại đến sớm, nước tại các kênh rạch bị khô kiệt nhanh, nên nhiều trà lúa bị thiệt hại.

Chúng tôi đã thống kê và đề nghị ngành chuyên môn sớm hỗ trợ thiệt hại cho bà con. 

Những dòng kênh khô nứt

Gặp trực tiếp hộ dân bị thiệt hại là anh Nguyễn Hải Huỳnh, ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, nghe anh chia sẻ mới thấm thía những áp lực từ hạn mặn mà anh đã trải qua:

“Đợt hạn mặn này gia đình tôi bị thiệt hại 100% diện tích với mức thiệt hại lên đến 70%.

Chị có thấy đám rạ đang trơ gốc vì khô hạn không?

Đất không còn độ ẩm nên lúa chét không thể trổ bông.

Năm trước tôi còn mót lúa chét cho gà ăn, nhưng năm nay thì lúa chét sống không nổi.

Trước đó, gặp hạn mặn ngay khi lúa trổ, nước không có để đưa về đồng ruộng tôi đành bỏ mặc cây lúa tự sinh tự diệt.

Vậy nên lúa bị lép, năng suất giảm sâu, 9 công chỉ thu được 32 - 33 bao, trong khi các vụ trước tôi thu được tới 110 bao lúa.

Rầu quá chị ơi, một năm làm không công!

Tôi nghĩ, nếu hạn hán còn kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lịch thời vụ và năng suất vụ sau, bởi nhà nông buộc phải gieo muộn hơn, dẫn đến vụ hai bị trễ, nếu gặp thời tiết cực đoan khó tránh khỏi rủi ro”.

Không có nước ngọt để cung cấp cho sản xuất đã đành, hơn 1.000 hộ dân khác thuộc các ấp Mũi Tràm, Mũi Tràm A, Sào Lưới A, Sào Lưới (xã Khánh Bình Tây Bắc) cũng đang chịu cảnh khô khát vì thiếu nước ngọt.

Người dân ở đây thiếu nước sinh hoạt do chưa được tiếp cận nước nội mạng, họ chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, nước ao đìa, kênh rạch, nước mưa.

Đặc biệt, năm nay, hạn mặn đến sớm và kéo dài, nên nguồn nước ngầm bị cạn kiệt dần, nhiều hộ phải thay thế sử dụng nước đóng bình.

Bà Trần Đỗ Nguyên, ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc rầu rĩ cho biết:

“Năm nay, hạn mặn đến sớm và kéo dài, nên lượng nước mưa tích trữ (3.500 lít) không đủ dùng.

Nước ao đìa cũng cạn nên mấy tháng nay gia đình tôi phải bỏ ra 450.000 đồng/tháng mua nước đóng bình về ăn uống, nấu nướng, rồi xin thêm nước giếng khoan để dùng cho sinh hoạt, nhưng nguồn nước giếng cũng sắp cạn kiệt rồi.

Trước đây, gia đình tôi đã từng khoan 20 lần nhưng toàn đụng đá”.

Hộ chị Nguyễn Bé Năm may mắn hơn vì có nước giếng để dùng, thế nhưng nước lại bị nhiễm phèn, gần đây thì nhiễm mặn, nên vẫn phải mua nước đóng bình sử dụng cho ăn uống, nấu nướng.

“Dù nước chập chờn, không sạch, nhưng gia đình tôi còn may mắn vẫn có nước để sinh hoạt, nhiều hộ khác, đến nước để vệ sinh còn không có.

Nói vậy, chứ gia đình tôi cũng có nỗi lo, vì gần đây nguồn nước giếng cạn dần, bơm lúc có lúc không.

Mỗi tháng tốn thêm 600.000 - 700.000 đồng mua nước, xót lắm nhưng biết làm sao, không có nước thì sống sao?” - chị Bé Năm nói với giọng run run.

Bình chứa nước mưa của người dân đã cạn từ nhiều tháng nay

Nghĩa cử ngọt ngào

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, tình hình khô hạn trong những tuần qua diễn biến gay gắt, nắng nóng cục bộ diễn ra ở một số nơi, cao nhất lên tới 34 - 36 độ C.

Cùng với đó, độ mặn cũng xuất hiện tại vùng ven biển. Trong đó, tại trạm Sông Ông Đốc độ mặn cao nhất là 36,5‰, tại trạm Cà Mau trên sông Gành Hào cao nhất 32,5‰.

Hạn mặn gây thiệt hại về kinh tế và làm thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Theo thống kê, toàn tỉnh Cà Mau hiện có 19.321 ha lúa bị thiệt hại, trong đó 6.789 ha thiệt hại từ 30 - 70%, 12.531 ha thiệt hại trên 70%.

Ngoài ra, cũng có 22 ha rau màu và 359 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại.

Để hỗ trợ người dân vượt qua hạn mặn, ông Tô Quốc Nam, phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết:

“Chúng tôi đã khẩn trương rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại cụ thể từng trà lúa, hoa màu bị thiệt hại và đề xuất phương án hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.

Đồng thời, hướng dẫn người dân sản xuất đúng lịch thời vụ, khuyến khích đưa vào sản xuất giống lúa ngắn ngày ST 24 cho vụ mùa tới, chăm sóc đồng ruộng trong điều kiện khô hạn.

Đối với nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn người dân thả giống đúng lịch, lưu ý không thả giống khi độ mặn trong ao lên cao trên 35‰ và nên thả giống qua giai đoạn ươm để rút ngắn thời gian nuôi.

Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân không bơm nước vào đồng ruộng mà giữ nước trong kênh để tránh nguy cơ sụt lún các tuyến giao thông nông thôn, đê biển do mất phản áp.

Chúng tôi cũng thường xuyên  kiểm tra công trình đê, đập, bờ bao, cống, bọng... để ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hóa”.

Hạn mặn cũng gây thiếu nước sinh hoạt, qua thống kê, có tới 20.851 hộ bị thiếu nước, trong đó, 6.184 hộ chưa tiếp cận được nước nội mạng, 4.090 hộ chưa có công trình cấp nước, 6.384 hộ không được cung cấp nước đầy đủ do hệ thống nối mạng bị xuống cấp. 

Bàn giao túi trữ nước cho dân

Ông Nguyễn Long Hoai, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, trước mắt, lắp ống nổi trên mặt đất, đồng thời, lắp các vòi nước công cộng và khoan 6 giếng tập trung để người dân lấy nước sinh hoạt.

Giải pháp khác là cấp nước luân phiên, nâng cấp, cải tạo đấu nối hòa mạng 11 công trình cấp nước tập trung, từng bước xây dựng nhà trạm, hệ thống xử lý nước, thiết bị bơm, mạng đường ống phân phối. Chuẩn bị phương án huy động xe bồn lưu động chở nước ngọt cho các hộ dân sống phân tán, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển.

Cùng với đó, kêu gọi các tổ chức quốc tế, đơn vị, cá nhân, các mạnh thường quân  hỗ trợ thiết bị trữ nước, xử lý nước, cung cấp vật tư lắp đặt đường ống về nhà dân.

Qua kêu gọi đã có nhiều đơn vị, cá nhân cung cấp miễn phí bồn nhựa, túi trữ nước, ống nước nhựa với số lượng đến nay lên đến 5.000 cái và hàng trăm mét ống hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho bà con. 

Có mặt tại lễ tiếp nhận túi dự trữ nước sinh hoạt (thể tích 25 m3) do Công ty cổ phần nhựa Tân Đại Hưng (Q. Tân Phú, TP.HCM) tặng người dân Cà Mau khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn; đặc biệt, là khi được nghe phát biểu của ông Phạm Trung Cang, phó chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty nhựa Tân Đại Hưng, chúng tôi vô cùng xúc động và cảm kích trước việc làm đầy ý nghĩa của ông dành cho bà con vùng hạn mặn:

“Mong muốn của chúng tôi là giúp bà con giải quyết khó khăn về nguồn nước ngay tức thời và về sau có nước dự trữ để dùng cho sinh hoạt và sản xuất khi khô hạn đến.

Chúng tôi đã cung cấp miễn phí túi trữ nước cho người dân một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gặp hạn mặn, giúp ngành cấp nước và chính quyền đưa nguồn nước sạch về cho dân giải khát”.

Bài số 1 "Vùng ngọt hóa đang sụt lún nghiêm trọng" về loạt bài cùng chủ đề này, mời bạn đọc xem tại link: http://www.khoahocphothong.com.vn/vung-ngot-hoa-dang-sut-lun-nghiem-trong-55452.html

Hoặc bấm vào đây

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Đi qua vùng khô khát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO