Bác sĩ chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư: Có phải chảy máu chất xám?

KHỞI GIAO| 06/08/2022 16:46

KHPTO - Theo PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), dù làm việc ở cơ sở y tế công hay tư, nhân viên y tế vẫn phục vụ, chăm sóc sức khỏe người dân.

Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về quản lý nguồn nhân lực và sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 vào hai ngày 5 và 6/8/2022.

Tại tọa đàm về quản lý nguồn nhân lực, PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đã nêu ví dụ, tại Đắk Lắk, vừa qua, 150 viên chức y tế chuyển từ công sang tư nhưng đây không phải là chảy máu chất xám. Dù làm việc ở cơ sở y tế công hay tư họ vẫn phục vụ, chăm sóc sức khỏe người dân.

Thống kê cho thấy, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có hơn 9.000 viên chức y tế xin nghỉ việc. Nhiều người trong số đó đã chuyển sang làm việc cho các cơ sở y tế tư nhân.

Một số bác sĩ cho biết, không chỉ có vấn đề lương hoặc chế độ đãi ngộ, việc chuyển việc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đặc biệt là môi trường làm việc, văn hóa nơi làm việc. Nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo môi trường làm việc tốt nên thu hút được nhiều y - bác sĩ từ các cơ sở y tế công lập.

PGS Lương Ngọc Khuê - Cục trướng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội nghị.

Đồng tình quan điểm này, theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, nếu một bác sĩ ở bệnh viện công nhưng điều kiện làm việc không tốt, khi sang bệnh viện tư có cơ hội phát triển, phát huy được năng lực hơn, giúp cho người dân nhiều hơn thì đây không phải là chảy máu chất xám.

Nhưng đứng ở góc độ người quản lý một cơ sở y tế, nếu chi phí đào tạo nhân sự sử dụng nguồn của bệnh viện, nhà nước, sau khi ra trường và làm việc một thời gian, họ chuyển sang bệnh viện tư, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc cho rằng “Đây có thể xem là chảy máu chất xám”.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ thêm, ở bệnh viện tôi, những người mong muốn ra đi, tôi sẽ ủng hộ. Nhưng muốn như thế, bệnh viện phải có nguồn nhân lực lớn, khi một người ra đi sẽ là cơ hội phát triển trong tương lai cho họ, cũng là cơ hội cho những người ở lại.

Một vị bác sĩ đã chia sẻ cùng báo chí: “Nhân viên y tế đã dịch chuyển nơi làm việc theo sự sắp đặt của cuộc sống.

Ở đâu giúp họ có một cuộc sống tốt hơn, họ đến. Nhiều người trong số họ chuyển sang làm ở khu vực y tế tư nhân.

Tổng số nhân viên y tế của toàn xã hội thì không có nhiều thay đổi. Cho nên, chính xác ra phải gọi cuộc khủng hoảng này là ‘khủng hoảng y tế công’”.

Ở góc độ khác, GS.TS.BS Nguyễn Anh Trí - phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam, cho rằng: Hiện nay, sự phối hợp giữa y tế tư nhân và công lập không tốt vì cơ chế chưa rõ ràng, cần khắc phục mới tận dụng hết được hiệu suất của nguồn nhân lực. Không những y tế công thiếu người mà y tế tư cũng đang thiếu nhân lực.

Theo nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đặt mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%; đến năm 2030, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%.

Tuy nhiên, báo cáo tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, cả nước hiện mới chỉ có 318 bệnh viện tư, 38.000 phòng khám tư nhân, chỉ đáp ứng 5,16% tổng số giường bệnh, tỷ lệ rất thấp. Thực tế cho thấy, y tế tư nhân chưa phát triển đúng với tiềm năng và nhu cầu của xã hội.

Để khắc phục vấn đề này, luật sư Phạm Văn Học - Tổng giám đốc Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), đưa ra đề xuất thành lập Trung tâm nhân lực.

Trung tâm này sẽ gánh vác 3 nhiệm vụ chính.

Thứ nhất: liên doanh, liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ nhân viên y tế.

Thứ hai: mở rộng các quan hệ quốc tế tiến tới ký các hợp đồng chuyển giao kỹ thuật, tham gia các chương tình đào tạo quốc tế...

Thứ ba: quản lý nguồn nhân lực hiện có tại các bệnh viện tư nhân thuộc hiệp hội, trên cơ sở đó có thể điều tiết ngắn hạn, dài hạn giữa các bệnh viện thừa và thiếu.

Đồng thời, đại diện Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam kiến nghị Nhà nước, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt chính sách khuyến khích mạnh mẽ với các mô hình y tế tư nhân hoạt động không vì lợi nhuận như chính sách thuế, hỗ trợ vốn, đất đai…

Qua đó tạo điều kiện để các cơ sở y tế tư nhân được tiếp cận đầy đủ những chương trình vay vốn kích cầu, đặc biệt với những cơ sở có chuyên khoa sâu, trang bị các thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

Đồng thời, cơ sở y tế tư nhân cần một cơ chế để có thể tham gia các khóa đào tạo nâng cao, cập nhật kiến thức và trao đổi, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến giữa cán bộ y tế công với các cơ sở y tế tư nhân.

Ông Phạm Thế Đồng - Phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, kiêm chủ tịch HĐQT Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO chia sẻ cùng các đồng nghiệp.

Như vậy, việc chăm sóc sức khỏe cho toàn dân mới đạt được mục tiêu phát triển bền vững, đội ngũ nhân lực y tế đa chuyên ngành với chuyên môn tốt, có khả năng cung cấp các dịch vụ y tế nâng cao. "Lấy người bệnh làm trung tâm" trở thành động lực đáp ứng nhu cầu y tế đang thay đổi tại Việt Nam sau tác động của đại dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm cũ và mới nổi đang xuất hiện; già hóa dân số.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân, chia sẻ thông tin khi đến thăm Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO chiều ngày 6/8/2022, và trao tặng bức tranh Bác Hồ cho BS Nguyễn Nương Ngà - Tổng giám đốc Bệnh viện Sài Gòn ITO.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư: Có phải chảy máu chất xám?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO