Ấn tượng Tam Giang

VŨ HÀO| 20/05/2020 21:54

KHPTO - Phá Tam Giang - Cầu Hai là một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đầm nước rộng lớn, ra xa bờ thì nước chảy xiết, gió mạnh như bão, đứng bên này không thấy bên kia… Nhưng không vì thế mà chuyến du ngoạn bớt đi thú vị và những khoảnh khắc xao lòng...

Đây là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, chạy dọc duyên hải Thừa Thiên Huế dài chừng 70 km, diện tích 248,7 km2, chiếm 11% diện tích đầm nước của cả nước Việt Nam. Đáng kể hơn nữa, phá Tam Giang - Cầu Hai còn là một kho tàng tài nguyên với 36 loài chim đặc hữu và 24 loài chim tránh rét bị lượng thức ăn dồi dào là tôm cá, rong rêu ở đây thu hút về hội tụ. Hơn 230 loài cá sống ở trung tầng hoặc mặt nước, 63 loài cá đáy, 37 loài sứa và giáp xác, 700 loài cây thủy sinh...

Trên hai bờ đầm phá hiện có 300 ngàn người dân của 31 xã (5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc), cuộc sống và mưu sinh gắn bó với phá Tam Giang - Cầu Hai. Người dân làm nhiều nghề, nổi bật là ngư nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản. Trên đầm phá luôn có khoảng 2.500 chiếc thuyền, hàng năm đánh bắt khoảng 3.000 tấn tôm cá, bằng các hình thức nò sáo, rớ giàn, chuôm, đậy, đặt đáy, trong đó nò sáo ở Phú Vang nhiều nhất. Dân chài lưới ở đây tự nguyện xây dựng giữa phá, ngay trước cửa Thuận An một ngôi miếu thờ thủy thần, quanh năm hương khói nghi ngút. Hàng năm, người dân nơi đây tổ chức lễ cúng hồ - một nghi thức tâm linh cổ truyền của cư dân vùng sông nước, để tạ ơn đất trời cho họ nguồn thủy sản mà đánh bắt mưu sinh. Trong mâm lễ vật dâng cúng đặt ngay trên nhà chồ chông chênh giữa đầm phá, ngoài hoa quả, cơm, xôi... bao giờ cũng phải có các loại cá, tôm, cua... đánh bắt được trong đầm phá.

Ngoài ngư nghiệp, bên phá Tam Giang còn nhiều làng nghề như làng Địa Linh chạm cẩn, làng Thủy Tú làm gạch ngói, làng An Thuận làm cốm, làng Bao La đan thúng mủng, làng Trài làm nước mắm, làng Hà Thanh nấu rượu... Vùng đất cuối cùng đầm phá là xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) có danh thắng chùa Túy Vân và bãi biển Tư Dung. Cảnh đầm phá thật hùng vĩ, mênh mông bát ngát, không khí thoáng đãng.

Người dân Tam Giang có làn da ngăm đen, rắn rỏi, thạo bơi lặn, giỏi đánh bắt thủy sản, quen sống cuộc đời trên thuyền lênh đênh sông nước. Ngày nay, nhiều người đã lên bờ định canh, định cư, tạo lập những ngôi làng mới tên gọi chung là làng “Thủy Diện”. Hiện nay, đời sống người dân ở đây bắt đầu ổn định, mưu sinh bằng các dịch vụ du lịch, đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể. Nhờ các phương tiện dự báo thời tiết hiện đại, mọi người không còn sợ sóng dữ, sáng sớm hoặc tối khuya lại dong thuyền ra khơi, thuyền về chở đầy tôm cá. Từ sáng tinh mơ hoặc chiều tối, một góc phá trở thành chợ mua bán thủy sản tươi sống và các món ăn từ thủy sản đặc trưng như cá dìa, cá mú, cá hanh, cá vượt, cá nâu, cá lệch, cá chình, tôm sú, mực, ghẹ...

Du khách thường về chơi phá Tam Giang bằng thuyền, theo dòng Hương Giang vào sông Đông Ba (dọc theo Huỳnh Thúc Kháng - Huế), đi qua phố Bao Vinh tới bến đò Vĩnh Tu, là ra đầu nguồn. Khách cũng có thể đi xe máy theo quốc lộ 49B về thị trấn Thuận An, có cầu và đường nhựa xuyên suốt 50 km trên dải cát giữa biển và đầm phá.

Suốt một thời gian dài, con người đầm phá dường như tách biệt với đất liền. Mãi đến khi cầu Thuận An, Trường Hà, rồi đến cầu Vinh Hiền hoàn thành mới chấm dứt sự “cô lập” này, mang lại luồng gió mới cho đầm phá, nhất là ngành du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấn tượng Tam Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO