Ấn tượng nông nghiệp công nghệ cao ở Măng Đen – Kon Tum

VỸ PHƯỢNG| 29/02/2020 20:30

KHPTO - Vài năm gần đây, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum dành nhiều chính sách ưu đãi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các nhà đầu tư đã dùng công nghệ, kỹ thuật mới để tạo nên nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, tập trung ở thị trấn Măng Đen, biến nơi này thành vùng canh tác trù phú.

Vùng “đất vàng” đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Kon Plong, đặc biệt là thị trấn Măng Đen có không khí trong lành, mát mẻ với rừng thông bạt ngàn, thỗ nhưỡng màu mở cộng với cơ chế chính sách thông thoáng, ưu đãi chính là những lý do để Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Măng Đen (Mang Den Green) quyết định khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Anh Bùi Văn Hùng, phó giám đốc Mang Den Green chia sẻ, khi bắt tay khởi nghiệp, Mang Den Green trồng thử nghiệm nhiều loại rau, củ quả như: cà chua, ớt chuông, cà tìm, dưa lưới trên diện tích 3 ha. Quá trình thử nghiệm, biết được cà chua cherry Nhật có thị trường tiêu thụ rộng nên Mang Den Green chọn làm cây chuyên canh, sản phẩm đặc trưng nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Để có được sản phẩm chất lượng, đảm bảo các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, Mang Den Green phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản trong chuyển giao công nghệ trồng, chăm sóc cà chua cherry Nhật. Bằng phương pháp trồng thủy canh, bao quanh bằng nhà kính, sử dụng giá thể sơ dừa, tưới nước kèm bón phân tự động, tuân thủ lịch thời vụ nghiêm ngặt, đơn vị đã cho ra đời sản phẩm shizuka, yellow đạt chuẩn Viet Gap, được các siêu thị ION, Co.opmart TP.HCM tiêu thụ với giá 60.000/kg. Sau 3 năm đưa cây cà chua cherry Nhật vào trồng, Mang Den Green đã có sản phẩm ổn định, đạt sản lượng 57  - 72 tấn.

Anh Bùi Văn Hùng chia sẻ về hiệu quả trồng cà chua cherry với với cán bộ phòng nông nghiệp huyện Kon Plong

Chia sẻ về khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tại Kon Plong, anh Bùi Văn Hùng cho biết, trong 3 năm trồng cà chua cherry Nhật tại Măng Đen trên diện tích 2.400m2, thì đủ 3 năm Mang Den Green không mất một đồng tiền thuê đất, ngay cả nhà kính, nhà lưới cũng được nhà nước làm sẵn, chỉ việc đưa con người, kỹ thuật, máy móc, công nghệ tưới vào để vận hành mô hình. Những ưu đãi này giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn ban đầu về thử nghiệm tính thích nghi, xây dựng quy trình chuẩn, cho sản phẩm chất lượng, đầu ra ổn định, giai đoạn mà ít có doanh nghiệp nào có lợi nhuận nếu không muốn nói là gần như lỗ. Vì vậy nếu có những ưu đãi về đất đai, thủ tục đầu tư nhanh gọn, sẽ giúp nhà đầu tư vượt qua những đợt sóng “dữ”, trụ vững với nông nghiệp.

Khi Nhà nước là “bà đỡ” cho doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Đưa chúng tôi đi tham quan thành tựu nông nghiệp công nghệ cao, ông Phạm Thanh, trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen lộ rõ sự tự hào khi đơn vị mình tạo ra được những giống mới, chất lượng là bí Nhật, củ cải, rau ăn lá, bao tử, dâu tây, một số dược liệu – hoa lan có giá trị kinh tế… và đã chuyển giao thành công cho nông dân, doanh nghiệp trước khi được trồng thử nghiệm.
Ông Phạm Thanh “khoe”, không chỉ làm công tác nghiên cứu, khảo nghiệm chuyển giao công nghệ, đơn vị cũng có những sản phẩm đã được thương mại, phục vụ thị trường tại chỗ và một số tỉnh lân cận. Đồng thời làm nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao như: hỗ trợ thuê nhà kính, lựa chọn nhà đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, thực hiện đề án phát triển cây dược liệu công nghệ cao, xây dựng phương án khởi nghiệp cho thanh niên...

Giống bí Nhật đã được Ban quản lý khu NN CNC chuyển giao cho nhiều hộ đồng bào thiểu số giúp họ phát triển kinh tế

Ông Trương Ngọc Tuyền, phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kon Plong (cùng đi với đoàn) khẳng định, nông nghiệp công nghệ cao đã được đưa vào nghị quyết của tỉnh, huyện và đã có đề án. Tuy nhiên, Kon Plong là huyện nghèo, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, nên địa phương bù đắp bằng những chính sách ưu đãi, cơ chế thông thoáng để thu hút nhà đầu tư. Đó là, hỗ trợ thuê đất, nhà kính, tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại để đảm bảo được vay vốn, huyện còn thành lập ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao để hỗ trợ khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư. Địa phương cũng tạo điều kiện  hình thành vùng nông nghệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa, củ, quả, cá nước lạnh với diện tích 3.271 ha.

Trái ngọt đầu mùa

Trải thảm mời nhà đầu tư, có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính thông thoáng...là những “đặc ân” giúp huyện Kon Plong thu hút được gần 60 dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ công cao với vốn đăng ký đầu tư trên 7.300 tỷ đồng. Trong đó, thu hút được nhiều dự án, tập đoàn lớn như dự án đầu tư phát triển nông nghiệp chất lượng cao của Công ty Vin Eco - thuộc Tập đoàn Vin Group với quy mô dự án 511 ha, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng; dự án nông trại hữu cơ Kon Tum Bellest với quy mô 105 ha, tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng; dự án công ty cổ phần dược liệu và thực phẩm Măng Đen với quy mô gần 2.800 ha, tổng mức đầu tư 5.100 tỷ đồng; Dự án trồng và phát triển nguồn nguyên liệu nông sản cao xuất khẩu của Công ty TNHH Đông Phương - Quảng Nam, với quy mô 30ha, tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng; Dự án nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Kon Plông Agri-Tourism với quy mô 33ha, tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

Trong số đó, nhiều dự án đã đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đầu tư 19 ha nhà lồng, nhà kính cùng với 130 ha hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương kết hợp bón phân theo công nghệ Israel để sản xuất rau, củ quả, hoa xứ lạnh theo quy trình VietGAP, thuỷ canh, hữu cơ của Nhật.

Công nghệ tưới phun đã được ứng dụng vào nhiều mô hình trồng rau ở Măng Đen

Nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong số này cho lợi nhuận khá lớn, như rau sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ khoảng 2,5 tỷ đồng/ha/năm, ớt chuông sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap khoảng 2,8 tỷ đồng/ha/năm, cam 150 triệu đồng/ha/năm, đảng sâm 1,5 tỷ/ha; cà phê xứ lạnh trung bình 70 triệu đồng/ha/năm.

Để nâng cao giá trị, thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, Kon Plong đã đề nghị Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu cho 33 sản phẩm của địa phương. Đồng thời, đề nghị hình thành 6 chuỗi liên kết gồm: gạo đỏ Măng Bút; trồng cây ngô lấy thân làm thức ăn chăn nuôi gia súc; trồng và tiêu thụ cây dược liệu đảng sâm, đương quy; nuôi và chế biến mật ong rừng; trồng và tiêu thụ cà phê xứ lạnh; sản xuất và tiêu thụ quả bí Nhật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấn tượng nông nghiệp công nghệ cao ở Măng Đen – Kon Tum
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO