Hàng triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp đang bị “hoang phí”

PHƯƠNG KHÁNH| 08/11/2022 16:30

Trước đây, sản phẩm phụ từ thủy sản được xem như một chất thải. Đến nay, chúng được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu sinh học, khí sinh học, các sản phẩm dinh dưỡng (chitosan), dược phẩm (dầu omega-3), chất màu tự nhiên, mỹ phẩm, các chất thay thế cho nhựa…

Theo Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO), ước tính năm 2018, trong tổng số 179 triệu tấn cá, hơn 156 triệu tấn (khoảng 88%) dành cho tiêu dùng trực tiếp của con người, trong khi 12% còn lại (khoảng 22 triệu tấn) được sử dụng cho các mục đích phi thực phẩm. Trong đó, khoảng 18 triệu tấn được chế biến thành bột cá và dầu cá.
Ước tính đến năm 2025, riêng lượng đầu vỏ tôm và vỏ tôm lột cộng lại trên 1 triệu tấn. Đây đều là các chất thải khó xử lý, dễ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên nếu không được xử lý đúng cách. Do đó, để ngành tôm Việt Nam tăng trưởng và phát triển bền vững, giải quyết mắt xích chất thải là việc cấp thiết.


Đầu vỏ tôm là một trong những loại chất thải thủy sản khó xử lý và dễ gây ô nhiễm nhất, nhưng cũng là nguồn dinh dưỡng dồi dào nhất. Từ đầu vỏ tôm có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau phục vụ nhiều ngành công nghiệp với giá trị gia tăng rất cao.

Nhiều công ty tại Việt Nam đã nghiên cứu xử lý chất thải tạo ra, nâng cao giá trị phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là từ con tôm (phụ phẩm là vỏ tôm). Trong quá trình nuôi tôm 90 ngày, lượng phụ phẩm từ vỏ tôm hằng ngày rất nhiều, chiếm khoảng 5 - 15%, đây là nguồn dinh dưỡng quý với nhiều hàm lượng tốt để làm phân bón.
Hay có nơi đã ứng dụng công nghệ sinh học theo định hướng không chất thải từ việc xử lý đầu nguồn, các dưỡng chất được tập trung thu hồi tối đa đầu nguồn trước khi đi vào nước thải; tiếp tục chiết xuất phần dinh dưỡng còn lại trong hệ thống xử lý nước thải (xử lý cuối nguồn).
Từ một nguồn nguyên liệu đầu vỏ tôm, cùng với ứng dụng công nghệ sinh học, họ đã phát triển các sản phẩm dùng làm nguyên liệu thực phẩm (mì gói, bánh mặn, surimi, nước chấm, nước mắm...), dinh dưỡng sinh học (Peptide, Astaxanthin) và Polymer sinh học (Chitin và Chitosan).
Còn đối với các phụ phẩm từ lâm nghiệp dùng sẽ được nhiều quốc gia làm viên nén sinh học với mục đích cho lò sưởi và điện sinh khối. Ngoài ra, phụ phẩm gỗ còn được chế biến thành nhiên liệu sinh học. 
Đơn cử, một số quốc gia châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) sử dụng viên nén cho các nhà máy điện sinh khối giúp giảm phát thải khí nhà kính. Còn Hoa Kỳ sử dụng sản phẩm tỉa thưa rừng để làm phân compost, điện sinh khối.
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn), cũng cho biết, hoạt động sản xuất nông nghiệp gây ra 25 - 30% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu. Mỗi năm sản xuất lương thực tiêu thụ 21,3 tỷ tấn tài nguyên. Vì vậy, các giải pháp quản lý và sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp hiệu quả hiện nay là cấp thiết đối với các quốc gia, cần thực hiện ngay. 
Phế phụ phẩm trong nông nghiệp thực sự là nguồn tài nguyên, là đầu vào quan trọng và quý giá trong nhiều lĩnh vực sản xuất khác. 
Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, hằng năm Việt Nam có trên 100 triệu tấn phế phụ phẩm trồng trọt, trong đó có khoảng 45 triệu tấn rơm khô, 8 triệu tấn trấu, 30 - 50 triệu phế thải thực vật khác (đậu phộng, bắp, đậu tương, sắn, mía, cà phê…), trong đó có tới 61% là rác thải hữu cơ có thể tái chế được. 


Với một khối lượng phế phụ phẩm trong trồng trọt, hầu hết là xác hữu cơ như thân, lá, vỏ hạt, lõi... tất cả đều chứa đựng lượng dinh dưỡng rất tốt có thể hoàn trả, cải tạo bồi dưỡng lại cho đất.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong Hiệp hội có rất nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt phế phụ phẩm nông nghiệp để chế biến và làm phân bón.
Ví dụ, tại những cơ sở sơ chế sầu riêng ở vùng sầu riêng tỉnh Krông Pắk (Đăk Lăk), họ cắt lấy múi còn vỏ sầu riêng cho vào máy xay nhuyễn bỏ lên xe tải chở đến công ty chuyên làm phân bón hữu cơ. Phân bón đó lại được cung cấp cho cơ sở trồng sầu riêng. Hay như nhà máy chế biến rau quả ở Pleiku (Gia Lai) sử dụng vỏ dứa, cùi dứa, vỏ chanh dây… tất cả xay ra rồi giao cho đơn vị chế biến phân hữu cơ. 
Theo ông Nguyên, thời gian qua, người dân bắt đầu dùng phân hữu cơ nhiều hơn trước, bởi thực tế, nguồn cung phân hóa học bị hạn chế, giá thành cao do ảnh hưởng của xung đột Ukraina - Nga. 
Ngoài ra, Việt Nam hiện đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất ngặt nghèo. Đó là động lực để đẩy phân hữu cơ và những chế phẩm sinh học vô cơ phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng được nhu cầu của các thị trường.

Theo ông Nguyễn Hồng Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển Bền vững, tiềm năng sinh khối của Việt Nam là trên 160 triệu tấn/năm, tương đương 60 triệu tấn dầu DO (46,5 tỷ USD). 
Việc ứng dụng công nghệ biến rác thải thành thu nhập, biến phế phụ phẩm nông nghiệp thành nhiên liệu không chỉ mang lại lợi nhuận 600.000 – 2.500.000 đồng/tấn sinh khối mà còn giúp loại bỏ ô nhiễm kép gây ra bởi đốt nhiên liệu hóa thạch cấp năng lượng và đốt sinh khối trên ruộng, nương.
Từ đó cải thiện điều kiện môi trường làm việc, giảm phơi nhiễm với khói bụi độc hại; tạo ra một hệ sinh thái mới với các thiết bị khí hóa sinh khối, cung ứng nhiên liệu, sử dụng than sinh học và các dịch vụ đi kèm; cải thiện chất lượng đất và hệ sinh thái nhờ than sinh học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp đang bị “hoang phí”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO