Âm nhạc cồng chiêng tây nguyên - kiệt tác truyền thống

02/12/2005 22:32

Âm nhạc Dân tộc Việt Nam vừa được thêm một niềm vui vào những ngày cuối năm 2005 - như được tiếp sức cho công cuộc gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc của nền Văn hóa Việt Nam: Âm nhạc truyền thống cồng chiêng Tây Nguyên vừa được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền thống và Di sản phi vật thể của nhân loại”. Nhân dịp này, PV. Khoa Học Phổ Thông đã gặp và phỏng vấn GS.TS. Nguyễn Thuyết Phong - Người đã từng đi sâu vào tận từng bản làng Tây Nguyên để nghiên cứu âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên và đã cho ra đời CD “Music of Truong Son Mountains” do Nhà Xuất bản White Cliffs Media ấn hành.

GS.TS. Nguyễn Thuyết Phong (thứ 2 bên phải) cùng dàn nhạc đàn Dinh Tút

* PHÓNG VIÊN:Được biết Giáo sư vừa nhận được Danh sách các “Kiệt tác truyền thống và Di sản phi vật thể của nhân loại” được UNESCO công nhận, ông có cảm nghĩ gì về tin vui này đối với Tây Nguyên, nơi giáo sư đã dành nhiều tâm huyết của mình trong nghiên cứu âm nhạc dân tộc?

- GS.TS. NGUYỄN THUYẾT PHONG: Vâng, tôi đã có rất nhiều chuyến đi nghiên cứu âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên, vào những năm từ 1993 - 1996, đặc biệt là trong năm 1996, tôi đã ở Tây Nguyên 4 tháng, vì thế, khi nhận được tin và bản danh sách này, tôi vui, rất vui và chia sẻ niềm vui với đồng bào Tây Nguyên. Danh hiệu “Kiệt tác truyền thống và Di sản phi vật thể” dành cho âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện đúng giá trị của âm nhạc truyền thống này. Trong danh sách 43 kiệt tác âm nhạc truyền thống lần này, âm nhạc truyền thống cồng chiêng Việt Nam đứng ở vị trí thứ 41 (41.The space of Gong culfure in the Central Highiand of Vietnam),cùng với 12 kiệt tác âm nhạc truyền thống của các nước châu Á khác.

* Giáo sư đánh giá như thế nào về kiệt tác này?

- Qua nghiên cứu và tìm hiểu rất kỹ lưỡng về kiệt tác này, tôi đã nhận thấy rằng, cồng chiêng, mặc dù sản phẩm vật chất không phải chính người Tây Nguyên chế tác nhưng cái hồn của cồng chiêng - âm nhạc cồng chiêng - đã từ lâu thuộc về người Tây Nguyên. Vì thế cồng chiêng đã trở thành máu thịt của người Tây Nguyên, âm thanh cồng chiêng in đậm trong tư duy của người Tây Nguyên. Cồng chiêng cũng được giữ gìn ở các nước Đông Nam Á, nhiều dân tộc ở các nước này cũng chơi cồng chiêng, nhưng chính ở Tây Nguyên, sức mạnh của âm thanh cồng chiêng mới được thể hiện âm vang nhất, mạnh mẽ nhất, với 30 dân tộc cùng chơi... Đó cũng là một yếu tố chính để âm nhạc cồng chiêng được công nhận là “Kiệt tác truyền thống và Di sản phi vật thể của nhân loại”.

* Và nhân dịp này, giáo sư cũng vừa nhận được Kỷ niệm chương của UNESCO về việc tham gia thẩm định kiệt tác này?

- Vâng, tôi vừa nhận được Kỷ niệm chương của Hội đồng Văn hóa - Giáo dục quốc tế (CIES) thay mặt UNESCO cảm ơn đóng góp trong việc thẩm định các kiệt tác này. Có thể nói danh sách 43 kiệt tác được công nhận là “Kiệt tác âm nhạc truyền thống và Di sản phi vật thể của nhân loại” là một sự khích lệ rất lớn cho các nước trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các truyền thống âm nhạc dân tộc. Nhiều âm nhạc truyền thống tưởng như đã bị mất hay mai một đi đã được đánh thức và làm sáng tỏ.

* Thưa giáo sư, vậy những ai được mời đánh giá, thẩm định để công nhận các kiệt tác này?

- Theo tôi được biết, đánh giá thẩm định các kiệt tác của nước nào thì không có người nước đó được mời đánh giá thẩm định, chỉ có người nước ngoài được mời (tôi là người Mỹ gốc Việt) và phải là người (chuyên gia) có công trình nghiên cứu về kiệt tác đó...Tôi được mời đánh giá thẩm định vì tôi đã có các công trình nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Tây Nguyên (đã xuất bản đĩa CD và được ghi tên trong Đại Từ điển Bách khoa Âm nhạc Thế giới GARLAND với 44.000 từ).

* Chắc hẳn giáo sư có đề cử âm nhạc truyền thống cồng chiêng này lên UNESCO để lựa chọn công nhận là “Kiệt tác truyền thống và Di sản phi vật thể của nhân loại”?

- Nếu cá nhân được quyền đề cử thì chắc chắn tôi đã làm điều này. Tuy nhiên, theo quy định, chỉ có thành viên Liên hiệp quốc mới được quyền đề cử. Kiệt tác này là do Chính phủ Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thông tin đề xuất) đề cử và báo cáo lên UNESCO. Tôi cũng được biết trong hồ sơ này Chính phủ Việt Nam có đề xuất tiếp theo kiệt tác này là các âm nhạc truyền thống Quan họ Bắc Ninh, Ca trù và múa Rối nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Âm nhạc cồng chiêng tây nguyên - kiệt tác truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO