À ơi… hoa tết!

ĐỖ MINH| 06/02/2020 12:27

KHPTO - Làng Tân Quy nằm bên bờ sông Sa Đéc - một nhánh sông Tiền lượn qua doi Me ôm ấp xứ vườn Sa Đéc rợp mát bóng cây. Người dân Tân Quy chủ yếu sống bằng nghề trồng và buôn bán hoa, có hàng trăm hộ ba bốn đời đã gắn bó với nghề. Hoa Tân Quy - Sa Đéc nổi tiếng khắp vùng và người làm nghề hoa cũng được biết đến như là những nghệ nhân tài hoa và là khách thương hồ lãng tử bậc nhất vùng sông nước.

Hàng năm, cứ vào độ đầu tháng chạp, đến làng hoa Tân Quy, khách dễ choáng ngợp trước những giàn hoa đủ loại rực rỡ cả một vùng rộng. Trên những dòng kênh, bến sông, ghe chở hoa tấp nập, bồng bềnh, lung linh đẹp mắt. Người ta di chuyển các giỏ hoa bằng xuồng, ghe đến những bến sông chờ đưa ra chợ tết.

Anh Tư Thanh, một nghệ nhân làng hoa Tân Quy với truyền thống ba đời trồng hoa và một thành tích tương đối ấn tượng: từng cung cấp kiểng quý cho các nhà hàng, khách sạn sang trọng ở TP.HCM, Hà Nội, “ẵm” nhiều bằng khen trong các cuộc thi trồng và tạo hình hoa trong khu vực và... cũng khá giả với những mùa hoa được giá... Ấy vậy mà vào mùa tết năm nào anh cũng tham gia chợ tết với một ghe hoa đầy ắp, bồng bềnh rong ruổi đến tận đêm giao thừa.

“Ông nội mình chuyên nghề bán hoa kiểng các loại. Hồi xưa ở vùng này, hoa kiểng tiếp cận thị trường bằng cách chở đi bán trên sông, riết rồi quen. Bây giờ có thương lái đến tận vườn mua, nhưng tôi vẫn chủ động chở đi bán!” - anh Thanh bộc bạch.

Theo anh, làm thương hồ mùa tết có cái thú được lênh đênh cùng hoa, chiêm ngưỡng thành quả lao động của mình và “mở mắt” với bạn thương hồ khi tiếp cận với sản phẩm mới, đẹp của họ đâu đó trên sông hoặc tại các chợ hoa tết miệt Cần Thơ, Cao Lãnh, Vĩnh Long.

Anh nghiện cái thú bán hoa tết trên sông, mà nghiện thì rất khó giải thích nguyên nhân và đôi ba phen cũng phải trả giá. Ba mùa tết liên tiếp gần đây, khách thương hồ Tư Thanh ở Tân Quy “rạp giàn” tại chợ hoa xuân Cao Lãnh.

Hơn hai trăm giỏ hoa kiểng đủ loại chỉ bán được không đầy nửa, những ngày cận tết anh còn cho “đệ tử” đem xuồng nhỏ chở hoa à ơi tại các khu dân cư mà chẳng ăn thua gì.

Đêm 30 tết phải bán thốc tháo. Dân bán hoa có lệ ngầm: hàng đem đi bán không hết thì cũng cho hoặc vứt đi chứ không mang về, vì tốn kém chuyên chở; giao thừa đến cận rồi phải nhanh chóng về với gia đình và bỏ hết để… “xả xui” cho mùa bán hoa năm sau. Có lẽ do nắm bắt tâm lý này, nhiều người dân ở các chợ ven sông thường có phong trào đi lượm hoa đêm giao thừa. Vui quá cỡ!

Ngoài kiểu buôn bán tài tử như anh Thanh, nhiều người ở Tân Quy, Lai Vung còn chuyên nghề thương lái mùa tết. Họ là người của những vựa hoa kiểng, lấy hàng của các nhà vườn, chở bằng ghe lớn và xe hàng lên tận TP.HCM. Công việc của họ bắt đầu từ tháng mười một, tháng chạp cho đến qua tết.

Chị Chín Thơm, một nhà vựa ở Sa Đéc chuyên “đi” mặt hàng quýt hồng và hoa kiểng tết cho biết: “Tụi tui là dân gốc miệt vườn nên kiến thức về hoa trái nói vanh vách. Các vựa hoa lớn ở rạch Tân Kiểng, kênh Tàu Hũ, là mối hàng của tui trên TP.HCM, tết năm nào họ cũng quảng cáo tụi tui là “nghệ nhân” Sa Đéc, làm mình cũng tự hào lắm!”.

Dân lái hàng ở đây đặc biệt ở chỗ vừa thạo nghề vừa biết thưởng thức giá trị sản phẩm. Điều này giúp họ luôn thành công. Dạo gần tết, họ lân la đến các vườn quýt hồng.

Bằng cái nhìn của người “có nghề”, họ xác định vườn quýt nào đẹp, thích hợp với thị trường nào, thế là thương lượng mua “mão” (mua nguyên vườn khi trái còn treo trên cây), đảm bảo có lợi giữa hai bên. Từ 20 - 28 tháng chạp, họ đem ghe đến vườn tự thu hoạch chở đi bán...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
À ơi… hoa tết!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO