6 năm khu công nghệ cao TP.HCM: Những thành quả đầu tiên...

31/10/2008 10:09

Đánh dấu 6 năm chính thức đi vào hoạt động (24/10/2002 - 24/10/2008), Khu công nghệ cao TP.HCM đã công bố 5 kết quả nghiên cứu về công nghệ cao đầu tiên. Trong đó 2 nghiên cứu đã chuyển giao để ứng dụng vào sản xuất, 3 nghiên cứu còn lại (trị giá hàng chục triệu đô la) chậm nhất là trong năm 2009 cũng sẽ được tung ra thị trường trong và ngoài nước...

Mực nano và pin thay xăng

TS.KH. Nguyễn Chánh Khê, giám đốc khoa học Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R & D) của Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết có hai nghiên cứu đã chuyển giao vào sản xuất, đó là mực in nano và đầu dò kính hiển vi điện tử.

Mực in nano cho máy in offset kỹ thuật số (digital offset), một bước ngoặt quan trọng trong công nghệ in phun, không chỉ là máy dùng trong văn phòng mà là một máy in khổng lồ có diện tích sàn gần 50 m2, có khả năng in khổ Ao với tốc độ 400 trang/phút, tiêu thụ một lượng mực in phun cả trăm tấn/tháng. Hiện nay Công ty bút bi Thiên Long đang nhắm vào thị trường này và đang hợp tác với Trung tâm R & D để triển khai ứng dụng.

Đầu dò kính hiển vi điện tử AFM (dùng carbon nano tube), đang chuẩn bị đưa lô hàng đầu tiên vào thị trường Mỹ.

Ba nghiên cứu còn lại là dự án nghiên cứu, sản xuất điện cực cho pin mặt trời sử dụng phức chất của carbon nano tube (sẽ thương mại hóa sản phẩm tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản); dự án nghiên cứu, triển khai carbon nano tube phát sáng (trị giá 10 triệu USD); dự án sản xuất đèn LED và pin mặt trời công suất 50% (trị giá 6,7 triệu USD).

Định hướng chiến lược của Trung tâm R & D trong thời gian sắp tới là nghiên cứu các công nghệ năng lượng nhằm giải quyết nhu cầu sử dụng năng lượng hữu hiệu (energy efficiency) như công nghệ đèn LED màu, đèn LED trắng thật sáng (trên 100 lumens/watt tại mật độ dòng 250 mA), những nguồn năng lượng sạch như pin thay xăng, pin nước (fuel cell).

“Dự kiến chậm nhất là trong năm 2009, chúng tôi sẽ đưa vào thị trường sản phẩm pin thay xăng sử dụng cho máy phát điện quy mô hộ gia đình. Sau pin thay xăng sẽ là pin mặt trời”, TS.KH. Nguyễn Chánh Khê cho biết.

Phòng thí nghiệm nano (trong quy trình nghiên cứu sản xuất đầu dò kính hiển vi điện tử)

Hạ tầng cho những nghiên cứu công nghệ cao

Trong những ngày cuối tháng 10/2008, khu công nghệ cao TP.HCM chính thức đưa vào vận hành các phòng thí nghiệm công nghệ cao: nghiên cứu vật liệu nano,công nghệ vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác tự động hóa. Tổng vốn đầu tư cho Trung tâm R & D với 3 phòng thí nghiệm là hơn 200 tỷ đồng. Riêng phòng sạch (trong phòng thí nghiệm về vật liệu nano) có vốn đầu tư gần 37 tỷ đồng, với nhiều trang thiết bị hiện đại, sẽ là nơi thực hiện các nghiên cứu thí nghiệm chế tạo các linh kiện vi cơ điện tử, chế tạo chip (die cutting), sản phẩm mẫu các loại linh kiện bán dẫn như MEMS chip, linh kiện LED, tế bào năng lượng mặt trời (solar cell) công suất cao... Phòng thí nghiệm cơ khí chính xác tự động hóa sẽ thực hiện những nghiên cứu thiết kế và triển khai chế tạo, thử nghiệm các thiết bị, chế tạo vi mạch, các hệ thống tự động hóa, robot công nghiệp, gia công chính xác chi tiết máy, các cụm thiết bị với độ chính xác cao, phục vụ cho ngành chế tạo máy bay và thiết bị điều khiển siêu chính xác. Trong thời gian tới phòng thí nghiệm cơ khí chính xác tự động hóa sẽ tập trung vào các nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy khắc và tạo màng (etching và deposition) cho dây chuyền chế tạo solar cell; thiết kế chế tạo hệ thống thông gió tự động cho phòng thí nghiệm sinh hóa của Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM; chế tạo hệ thống tự động hóa nhập và xuất kho (automatic storage and retrieval system - AS/RS) - đây là đề tài nghiên cứu cấp nhà nước nhằm phục vụ các dây chuyền lắp ráp thiết bị công nghiệp (có thể nhân rộng ứng dụng cho việc nhập - xuất hàng tự động ở các siêu thị lớn, các dây chuyền chuyển phát nhanh bưu kiện, các thư viện hiện đại, các khu đỗ, chứa xe ô tô tự động...). Tổng kinh phí đầu tư cho các đề tài nghiên cứu này khoảng 4,5 tỷ đồng.

Theo ban quản lý khu công nghệ cao, hiện nay có khoảng gần 200 chuyên gia trong và ngoài nước đang làm việc tại khu công nghệ cao và hơn 7.000 công nhân làm việc ở các nhà máy. Toàn khu công nghệ cao đã thu hút 43 nhà đầu tư với tổng vốn khoảng 1,6 tỷ đô la, trong đó có 9 nhà đầu tư đã đi vào hoạt động.

HIẾU TRUNG

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
6 năm khu công nghệ cao TP.HCM: Những thành quả đầu tiên...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO