5 vấn đề trong ngành xây dựng

11/03/2006 05:16

Trong quá trình thực hiện công tác thiết kế xây dựng, đặc biệt là nhà cao tầng, chúng tôi gặp phải một số vấn đề thuận lợi cũng như khó khăn có liên quan đến cơ chế quản lý Nhà nước trong ngành xây dựng.

Cao ốc ở TP.HCM

Hội chứng cao ốc 15 tầng:

Hiện nay, TP.HCM quy định các cao ốc trên 15 tầng phải thông qua UBND Thành phố hoặc Hội đồng Kiến trúc Thành phố, dẫn đến việc các nhà đầu tư nếu muốn tránh thủ tục rườm rà để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thì phải chấp nhận chọn quy mô 15 tầng.

Nếu đi một vòng Thành phố ta sẽ thấy số lượng cao ốc 15 tầng là rất phổ biến. Điều này ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị do thiếu sự phong phú trong tổ chức không gian đô thị, và quan trọng hơn là phải chăng chúng ta đang đi ngược với chủ trương khuyến khích thu hút đầu tư của toàn xã hội. Với đà phát triển hiện nay, thiết nghĩ thành phố nên cân nhắc vấn đề nói trên ở mức 20 tầng để cảnh quan đô thị phát triển có nhịp điệu và sinh động tùy theo năng lực đầu tư.

Thời gian duyệt dài: Thời gian trình duyệt thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản như hướng dẫn quy hoạch, thỏa thuận quy hoạch, thỏa thuận kiến trúc, cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở... là khá dài làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư.

Quy chuẩn xây dựng: Hiện tại công tác thiết kế kết cấu công trình, đặc biệt là các công trình cao tầng đang gặp phải một số khó khăn do thiếu sự hướng dẫn của các tiêu chuẩn thiết kế hay một số lĩnh vực chưa có tiêu chuẩn thiết kế nên phải vận dụng tiêu chuẩn nước ngoài, gây nên sự không thống nhất quan điểm giữa đơn vị thiết kế, đơn vị thẩm kế, quản lý dự án, tư vấn giám sát..., cụ thể như: chưa ban hành tiêu chuẩn thiết kế phòng chống kháng chấn, khi chủ đầu tư yêu cầu, đơn vị thiết kế phải áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài như NEHRP 2003, UBC 1997 (Mỹ) để tính toán tải trọng động đất và cấu tạo kết cấu công trình. Các tiêu chuẩn này đã đáp ứng được phần nào các yêu cầu đặt ra nhưng việc áp dụng nó vẫn chưa nhất quán giữa các bên. Chưa có tiêu chuẩn thiết kế kết cấu cho công trình cao trên 25 tầng. Hiện tiêu chuẩn TCXD 198 -1997, chỉ áp dụng cho các công trình d­ưới 25 tầng có chiều cao d­ưới 75 m. Do vậy khi thiết kế các công trình có quy mô lớn hơn, người thiết kế gặp phải khó khăn và phải vận dụng các tiêu chuẩn nước ngoài.

Ngay cả các tiêu chuẩn hiện hành cũng có nhiều điểm bất cập, không rõ ràng gây hiểu nhầm trong việc áp dụng tiêu chuẩn, gây nên sự thiếu nhất quán giữa thiết kế và thẩm kế. Trong công trình cao ốc văn phòng Sacombank số 266 - 268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, cơ quan thiết kế và thẩm kế không thống nhất được quan điểm về thiết kế kết cấu sàn bêtông ứng suất trước. Nguyên tắc tính toán được đề cập trong các tiêu chuẩn thiết kế BTCT như TCVN 5574 -1991, TCVN 356 - 2005 nhưng các tiêu chuẩn này lại thiếu các hướng dẫn và quy định về cấu tạo.

Một số tiêu chuẩn đã quá cũ và lâu nay không được rà soát và cập nhật lại. Tiêu biểu là tiêu chuẩn ngành TCN 45-78 về tính toán móng và nền công trình. Các phương pháp tính lún trong TCN 45 -78 tỏ ra không phù hợp với quan trắc thực tế cũng như có nhiều điểm gây nên sự không nhất quán giữa những người thiết kế trong việc áp dụng tiêu chuẩn.

Thay đổi quá nhanh các đơn giá định mức lập dự toán công trình gây khó khăn trong việc xác định vốn đầu tư của các dự án. Đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp Nhà nước hoặc vốn ngân sách thì họ còn hiểu được tính chất của sự thay đổi trên nên chấp nhận cho phép đơn vị tư vấn điều chỉnh lại dự toán. Nhưng đối với các chủ đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài thì họ ngạc nhiên và nghi ngờ về giá trị đầu tư, làm cho đơn vị tư vấn hết sức lúng túng khi giải thích về chi phí đầu tư của công trình. Có những công trình vừa lập xong dự toán chưa kịp trình duyệt đã phải điều chỉnh theo các thông tư mới được ban hành, gây mất thời gian ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, có khi còn bị phạt hợp đồng do trễ tiến độ giao nộp hồ sơ.

Thiết kế phí và các chi phí tư vấn khác quá thấp: Thiết kế phí và chi phí tư vấn tại Việt Nam hiện nay là quá thấp so với các nước trong khu vực gây thiệt thòi cho các đơn vị trong nước. Điển hình ở các cuộc thi lựa chọn phương án kiến trúc, đã có sự phân biệt một cách vô lý giữa đơn vị thiết kế trong nước và nước ngoài: nếu đơn vị tư vấn trong nước đoạt giải I và được chọn làm nhà tư vấn thiết kế thì sẽ áp dụng mức thiết kế phí Việt Nam, thấp hơn 3 - 4 lần so với đơn vị tư vấn nước ngoài nếu trúng giải. Đối với các đồ án thiết kế có quy mô lớn, nhà tư vấn trong nước muốn liên doanh với các thầu phụ nước ngoài để áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật mới, thì với mức thiết kế phí được áp dụng theo định mức của Bộ Xây dựng Việt Nam chưa đủ chi phí để thanh toán cho các nhà thầu phụ này.

Việc nhận chi phí tư vấn quá thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài gây một cảm giác tự ti và thiếu nhiệt tình cho các nhà tư vấn Việt Nam, cho giới kiến trúc sư và kỹ sư trong nước có tâm huyết với nghề, làm giảm chất lượng và năng lực tư vấn cho công trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 vấn đề trong ngành xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO