4 Dấu ấn lớn về chính sách giúp phát triển kinh tế tập thể

N.Hoa| 17/09/2021 05:56

KHPTO - Thời gian qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã ở TP.HCM ngày càng phát triển. Thành quả này có được từ việc TP.HCM đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách phù hợp, cùng đó là những chính sách lớn từ Chính phủ.

Những thành quả đáng khích lệ

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã TP.HCM, tính đến ngày 31/12/2020, tổng số hợp tác xã (HTX) đăng ký hoạt động năm 2020 lên đến 694 đơn vị.

Tổng số thành viên HTX khoảng 50.094 thành viên; tổng số lao động thường xuyên trong HTX khoảng 26.420 người; tổng doanh thu của các HTX trong năm 2020 khoảng 4.163 tỷ đồng; doanh thu bình quân của HTX trong năm 2020 (đang hoạt động) xấp xỉ đạt: 7,2 tỷ đồng/năm.

Đối với tổ hợp tác (THT), tổng số THT đang hoạt động khoảng 2.700 đơn vị, trong đó: số lượng THT đang hoạt động dựa trên cơ sở hợp đồng hợp tác là 552 THT; số lượng THT hoạt động với tên gọi khác như “nhóm liên kết”, “câu lạc bộ”, “tổ tương trợ”... là khoảng 2.148 THT. Tổng số thành viên đối với THT có đăng ký hoạt động ở UBND phường, xã là 5.440 thành viên.

Vị trí vai trò của kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là HTX kiểu mới dần được xã hội thừa nhận, đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, số lượng đơn vị từ 22 HTX, 1 LH HTX tăng lên 146 HTX, 2 LH HTX đăng ký hoạt động. Đây là lĩnh vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thành phố với nhiều chính sách ưu đãi, các HTX đã từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; bước đầu hình thành được chuỗi liên kết giữa các HTX nông nghiệp với hệ thống HTX thương mại, siêu thị để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên.

Những dấu ấn về chính sách

Thời gian qua, TP.HCM đã ban hành nhiều Quyết định về phát triển kinh tế tập thể, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Gần đây nhất là Quyết định 1567/QĐ-UBND do UBND TP.HCM ban hành ngày 10/5/2021 về “Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025”, hay trước đó là Quyết định số 4007/QĐ-UBND ngày 28/10/2020 của UBND TP.HCM phê duyệt Đề án phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025.

Để hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển, UBND TP.HCM cũng đã giao Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng website, xây dựng logo, thiết kế bao bì, các ấn phẩm quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho 53 HTX, tổ hợp tác. Đặc biệt, các đơn vị đã tổ chức 563 phiên chợ nông sản tại 14 địa điểm với 10.440 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận. Từ năm 2016 đến nay, ngành nông nghiệp TP.HCM đã hỗ trợ các HTX đổi mới ứng dụng công nghệ thông qua việc triển khai các chương trình phát triển trọng điểm.

Về các chính sách từ Trung ương, phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thịnh nhìn nhận: có 4 dấu ấn về chính sách trong phát triển KTTT, HTX thời gian qua.

Dấu ấn thứ nhất, về quyết định 2261/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020, vấn đề đặt ra là nguồn lực ở đâu để thực hiện, vì nếu không có nguồn lực thì quyết định chỉ nằm trên giấy. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư và vai trò tham vấn của Cục phát triển HTX đã ban hành công văn số 3626/BKHĐT-HTX ngày 31/5/2018 về hướng dẫn thực hiện quyết định số 2261-TTg. Tuy muộn nhưng đây là chìa khoá để các địa phương, liên minh HTX ở TP.HCM và các địa phương làm căn cứ thực hiện, tạo cơ chế quan trọng, tạo nguồn lực để khu vực KTTT, HTX tiếp cận chính sách Nhà nước thông qua 2 chương trình mục tiêu quốc gia lúc đó. Tiếp đó, quyết định số 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành ngày 12/11/2020 thay thế cho quyết định 2261. Đây là một trong những cơ chế quan trọng để khu vực KTTT, HTX tiếp cận chính sách, từ đó tạo hiệu quả, nguồn lực để khu vực này phát triển rõ rệt.

Cùng với đó, một loạt cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trong thời gian vừa qua được ban hành. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Cục phát triển HTX đã tham mưu ban hành một loạt chính sách như quyết định 167/QĐ-TTg năm 2021 về phê duyệt đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước, quyết định 340/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030... Những cơ chế chính sách này được ban hành để giúp cho khu vực KTTT, HTX ở TP.HCM nói riêng và các nước nói chung, có điều kiện tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho khu vực này phát triển.

Dấu ấn thứ hai là về đầu tư công, khu vực KTTT, HTX lần đầu tiên được Bộ tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước cho khu vực KTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025. Nhà nước có thể thực hiện chính sách hỗ trợ cho HTX theo Luật HTX 2012.

Dấu ấn thứ ba, liên quan tới Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Quỹ thành lập năm 2006, lúc đó vốn điều lệ có 100 tỷ đồng. Từ năm 2018, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Thủ tướng đề nghị nâng vốn điều lệ từ 100 tỷ lên 1.000 tỷ đồng. Ngoài vốn, Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được ban hành đã giúp Quỹ hoạt động mở rộng hoạt động.

Dấu ấn thứ tư, toàn bộ khu vực KTTT, HTX, cũng như hệ thống Liên minh HTX được tiếp cận, thụ hưởng nguồn lực từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia để bồi dưỡng, thành lập mới, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, giống, chế biến mà trước đây không có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
4 Dấu ấn lớn về chính sách giúp phát triển kinh tế tập thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO