100% các phòng học được khảo sát không đủ sáng

<_o3a_p>| 14/11/2008 16:15

Vấn đề suy giảm thị lực ở học sinh đang ở mức đáng báo động, nhìn vào một lớp học, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều này bởi có quá nhiều học sinh đeo kính! Các nhà khoa học đã thử khảo sát tại 3.960 phòng học. Kết quả: 100% không đủ sáng theo tiêu chuẩn Việt Nam!

Càng học lên cao, cận thị càng nhiều

Tháng 7/2008, Hội chiếu sáng đô thị Việt Nam kết hợp với Sở giáo dục và đào tạo Hải Phòng, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ Hải Phòng tiến hành đánh giá hiện trạng chiếu sáng tại 3.960 phòng học phổ thông của 273 trường thuộc 9 quận, huyện của Hải Phòng, kết quả: 100% không đủ sáng theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Việc chiếu sáng các phòng học không phù hợp, một số phòng dùng 6 đến 7 bóng đèn dây tóc 100 W, 200 W, có nơi lại dùng đèn thủy ngân cao áp 125 W, có phòng học chỉ lắp 4 đèn huỳnh quang T 10 - 40 W hoặc có nơi lắp tới 16 đèn T 10 - 40 W. Đèn huỳnh quang lắp sát trên trần, không có chao chụp, bố trí không hợp lý nên độ sáng trong lớp không đều, học sinh bị chói mắt, bảng bị lóa, bị sấp bóng đầu hoặc tay cầm bút. Đèn lắp cao hơn quạt trần, ánh sáng bị cánh quạt xoay lấp loáng. Điện tiêu tốn nhiều mà độ rọi trên bàn học, trên bảng không đạt tiêu chuẩn tối thiểu 300 lux, khiến cho thị lực của học sinh bị căng thẳng, mệt mỏi, hiệu suất tiếp thu bài giảng kém.

Trước đó, năm 2007, dự án chiếu sáng hiệu quả trường học (dự án được Tập đoàn điện lực Việt Nam tài trợ bằng vốn vay của Ngân hàng thế giới) đã khảo sát thực trạng chiếu sáng tại 405 lớp học thuộc 135 trường tiểu học trên 27 tỉnh, thành, kết quả cũng cho con số đáng ngại: 100% các phòng học không đủ sáng theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Theo các chuyên gia y tế, học tập và làm việc lâu dài trong môi trường thiếu sáng, chiếu sáng không đúng chuẩn là một trong các nguyên nhân dẫn đến suy giảm thị lực. TS. Trần Đình Bắc, trưởng ban khoa học và công nghệ, Hội chiếu sáng đô thị Việt Nam cho biết: “Theo khảo sát của chúng tôi, có đến 43% học sinh có cảm nhận về mức độ chiếu sáng trong lớp là “tối”, 84% thấy sấp bóng, 68% bị chói lóa”.

Khảo sát bệnh về mắt do Cục y tế dự phòng cho thấy: tỷ lệ khúc xạ học đường nói chung là 49,16%, trong đó tật cận thị 48,1% (cận nhẹ: 56%, cận vừa: 27,7%, cận nặng: 15,5%). BS. Lê Thị Thanh Xuân, Bệnh viện mắt TP. HCM cho biết: “Học sinh cận thị đang có xu hướng gia tăng một cách đáng báo động. Năm 1994, tỷ lệ bị cận thị là 8,65%, năm 2002 tăng lên 17,2% và đến năm 2006 là 38,88%”. Càng học lên, tỷ lệ cận thị càng cao. Riêng ở Hà Nội, nếu năm 1968 tỷ lệ học sinh cận thị cấp tiểu học là 2,1%, cấp THPT là 9,6%, thì năm 2004 tỷ lệ này tăng lên là 11,3% và 29,8%.

Theo TS. Trần Đình Bắc, ngay cả các trường có kinh phí cao cho hệ thống chiếu sáng cũng không đạt yêu cầu về chỉ tiêu định lượng và chất lượng ánh sáng (trên bàn học và trên bảng). Các phương thức chiếu sáng, sử dụng các nguồn sáng và thiết bị cũng như giải pháp thiết kế lắp đặt chưa hợp lý. Tất cả là nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt ở học sinh.

Để chiếu sáng một phòng học

Theo dự án thí điểm chiếu sáng hiệu quả trường học, khi thiết kế chiếu sáng phòng học, phương pháp tối ưu là nguồn sáng phải được bố trí dọc theo chiều dài lớp học, song song cửa sổ và hướng nhìn của học sinh, tạo cảm giác như ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ hắt vào. Đèn bố trí dọc lớp sẽ hạn chế nhiều hiện tượng chói lóa do phản xạ trên bề mặt bàn, bề mặt sách vở. Chao đèn phải được thiết kế với góc mở hợp lý, có nan chia quang nhằm chống lóa, ánh sáng tập trung cao trên bàn học. Bộ chao đèn chiếu sáng bảng tạo phân bố ánh sáng vào bảng.

Các trường nên sử dụng thiết bị đúng chủng loại, là bóng đèn huỳnh quang T 8 - 36 W bột huỳnh quang 3 phổ. Không sử dụng bóng đèn T 10 khi lắp mới hoặc thay thế các bóng T 8 - 36 W bị hỏng. Phải sử dụng loại đèn bột huỳnh quang 3 phổ để cho chất lượng ánh sáng tốt hơn, giảm mỏi mắt khi ngồi học lâu. Sử dụng chấn lưu điện tử để tiết kiệm điện và có hiệu quả ánh sáng tốt hơn. Nên dùng chao mở, có độ sâu hợp lý để chống chói lóa, tập trung được ánh sáng. Không nên dùng các loại chao kín bằng nhựa, hiệu quả chiếu sáng kém. Nên dùng chao sơn tĩnh điện, không nên dùng chao inox. Nên mua bóng đèn, chấn lưu và chao máng đồng bộ để đảm bảo tính tương thích giữa các thiết bị.

Độ cao treo đèn rất quan trọng khi áp dụng mô hình chiếu sáng hiệu quả trường học. Dùng cần treo để hạ các bộ đèn xuống một độ cao hợp lý, cách mặt bàn học 2 - 2,2 m. Với khoảng cách này, ánh sáng trên mặt bàn sẽ được nâng cao và tránh được hiện tượng loáng bóng quạt trần. Đèn phải được hạ xuống ít nhất là ngang với quạt trần. Trong trường hợp quạt trần thấp quá, phải có biện pháp xử lý để nâng quạt trần lên. Tuy nhiên, không được hạ đèn quá thấp sẽ gây mất an toàn và thiếu tính thẩm mỹ.

Nên lắp riêng công tắc cho các dãy đèn: dãy đèn bảng 1 công tắc, các dãy đèn gần cửa sổ và dãy đèn giữa điều khiển bằng các công tắc riêng biệt. Mục đích của việc này là để có thể tắt bớt các dãy đèn gần cửa sổ khi đủ ánh sáng tự nhiên.

ANH THƯ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
100% các phòng học được khảo sát không đủ sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO