10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước năm 2018

Tuyết Mai (tổng hợp)| 29/12/2018 22:43

KHPTO - Vừa qua, Tin môi trường (www.tinmoitruong.vn – thành viên Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) cùng các nhà báo chuyên viết về lĩnh vực môi trường trong nước đã bình chọn 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước của năm 2018. Kết quả được lựa chọn là những sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng, xã hội và sự phát triển của ngành môi trường trong nước.

Theo đó, trong năm 2018, 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước đã được các nhà báo bình chọn như sau:

  1. Phát hiện ra mạch nước ngọt trên đảo Bạch Long Vỹ:

Đầu năm 2018, một tin vui đến với nhân dân huyện đảo Bạch Long Vỹ, thành phố Hải Phòng, đó là Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc đã khảo sát và tìm được thêm 2 giếng nước ngọt mới.     

  1. Thành lập Hội bảo vệ động vật Việt Nam:

Ngày 3/2/2018 tại Đà Nẵng, Hội bảo vệ động vật Việt Nam đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ I (2018 - 2023) ngay sau khi được thành lập. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có Hội bảo vệ động vật (tên viết tắt là VAWA - Viet Nam Animal Welfare Association).

  1. Quảng Ngãi: "Hỏa tốc" với dự án sân golf, resort 800 ha trùm cả ra đảo Lý Sơn:

      4. Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và bản đồ:

Chiều 14/6, ngày làm việc thứ 19, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 với 451/452 phiếu đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 92,61%), Quốc hội đã thông qua Luật đo đạc và bản đồ, gồm 9 chương, 61 điều quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc v.v… Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

5. Phế liệu đổ bộ cảng biển, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm khắc:

Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau cuộc họp thường trực Chính phủ cuối tháng 7 về công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã yêu cầu bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam.

6. Bãi rác Đa Phước hôi do biến đổi khí hậu?

Tại buổi họp báo thường kỳ của UBND TP.HCM ngày 3/7/2018, giám đốc Sở tài nguyên & môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, do biến đổi khí hậu và ảnh hưởng hướng gió nên bãi rác Đa Phước gây mùi hôi cho cư dân phía Đông Nam của TP.HCM.   

7. Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên “kịch trần”:

Ngày 20/9/2018, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2019 thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng.

Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế môi trường. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng/lít từ đầu năm sau, tăng 700 đồng so với hiện nay. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít. Ngoài ra, thuế môi trường với dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu mazut cũng tăng lên 2.000 đồng một lít, từ mức 900 đồng hiện hành.

Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những lý do tăng thuế là giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản hiện đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và Châu Á. Ngoài ra, việc cắt giảm thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do đã làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách.

          8. Công ty môi trường đô thị Đà Nẵng bị phạt hơn 1 tỷ đồng do hành vi xả nước thải vượt mức cho phép:

Ngày 26/10, lãnh đạo chính quyền TP. Đà Nẵng đã ký quyết định xử phạt hơn 1 tỷ đồng đối với Công ty cổ phần môi trường đô thị TP do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật tại khu vực bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

9.  Phó thủ tướng yêu cầu thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng Sóc Sơn:

Ngày 29/11, văn phòng Chính phủ đã truyền đi ý kiến chỉ đạo của phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo công tác thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đảm bảo kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/2/2019.

10. Việt Nam chính thức có công viên địa chất toàn cầu thứ 2:  

Tháng 4/2018, tại Paris (Pháp), cuộc họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 204 đã thông qua nghị quyết công nhận công viên địa chất non nước Cao Bằng là công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Như vậy, sau cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Cao Bằng là địa phương thứ hai của Việt Nam và là công viên địa chất toàn cầu thứ tám của Đông Nam Á được đón nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO