10 bước đi dành cho các startup trong lĩnh vực kiến trúc

Theo Đức Thành (Tạp chí Kiến Trúc)| 08/06/2017 09:02

KHPT - Một kiến trúc sư trẻ phải làm gì để startup khi hồ sơ năng lực chưa có gì đáng kể? Làm sao để kiến trúc sư có thể tiếp cận được khách hàng đầu tiên của mình? 10 bước đi sau đây do tác giả Mark R. LePage chia sẻ trên trang entrearchitect sẽ giúp ích cho bạn.

1) Thật sự kiên định - Việc tưởng như đơn giản mà lại không hề dễ dàng

Hãy chắc chắn rằng việc làm chủ văn phòng của riêng mình là điều bạn muốn bởi đó có thể là một trong những thử thách lớn nhất mà bạn có trong đời. Để thành công, bạn sẽ phải làm việc chăm chỉ và làm việc không ngừng nghỉ. Có một văn phòng riêng thì hẳn là sẽ rất linh hoạt và tự do nhưng nó cũng có thể là một thử thách lớn lao. Có thể phải mất nhiều năm để mỗi kiến trúc sư định hình và kiên định với con đường của riêng mình.

2) Lên kế hoạch thật chi tiết

Một khi đã chắc chắn về việc khởi nghiệp này, hãy viết ra một bản kế hoạch thật chi tiết và sử dụng nó như kim chỉ nam khi làm việc.

3) Chia sẻ với những người xung quanh

Hãy kể với những người xung quanh rằng bạn sẽ thành lập văn phòng của riêng mình và rằng bạn đang tìm kiếm những dự án đầu tiên. Kể với gia đình, với bạn bè, thậm chí là những người quen, những bạn đồng môn, những người trong nghề kiến trúc, những hội nhóm mà bạn tham gia...

Tùy vào hoàn cảnh, thậm chí bạn có thể chia sẻ điều tuyệt vời này với chính “sếp” cũ của mình. Rất nhiều công việc có thể đến từ những dự án mà công ty kiến trúc cũ không thể xử lý hết. Nếu có dự định sớm rời văn phòng để khởi nghiệp, việc chia sẻ với “sếp” có thể giúp công ty cũ sớm tìm được người thay thế chỗ trống của bạn.

4) Viết blog

Một trong những cách hiệu quả nhất để quảng bá hình ảnh bản thân bạn đó là viết blog. Hãy lựa chọn một phân khúc khán giả cho trang blog này, lựa chọn một cái tên phản ánh rõ nét chủ đề bạn hướng tới. Hãy thật sự nghiêm túc, đưa thông tin bổ ích, lý thú và đôi khi hài hước một chút. Qua đó, bạn sẽ sớm thu hút được những khách hàng tiềm năng. Hãy chia sẻ những trải nghiệm trong nghề và thể hiện sự chuyên nghiệp.

5) Xây dựng những mối quan hệ

Những mối quan hệ là tài sản lớn nhất của bạn, hãy tận dụng nó. Việc tham gia vào những hội nhóm sẽ cho bạn những mối quan hệ lâu dài. Hãy chia sẻ dự định khởi nghiệp với những mối quan hệ đó. Bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên bởi hiệu quả mà cách này mang lại. Đừng quên tận dụng ưu thế của mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google+ và Linkedin để lan tỏa những dự án, những dự định nghề nghiệp của bạn.

6) Tham gia những công việc tình nguyện

Hãy tham gia những buổi họp cộng đồng và để mọi người biết rằng bạn là một kiến trúc sư hiện đang sinh sống trong khu vực, cũng như bạn quan tâm đến tương lai của khu phố chẳng hạn. Hãy tiếp tục tham gia vào các hoạt động tại thư viện, khu phố hay bất kỳ tổ chức nào cần tới sự trợ giúp. Các hoạt động tình nguyện có thể sẽ cung cấp những kinh nghiệm nghề nghiệp đầu tiên cho bạn cũng như quảng bá sự hiện hữu của bạn trong cộng đồng xung quanh.

7) Xây dựng một website cho riêng mình

Trong thời đại kỹ thuật số, khi một khách hàng muốn tìm kiếm một kiến trúc sư, rất có thể họ sẽ bắt đầu thông qua các công cụ tìm kiếm trên Internet. Họ sẽ tìm kiếm những kiến trúc sư gần khu vực họ sống và đánh giá những website của các văn phòng kiến trúc trước khi quyết định liên hệ. Nếu không có website, văn phòng kiến trúc của bạn gần như đã bị loại khỏi cuộc chơi này.

Nếu chưa có công trình thực tế, bạn hoàn toàn có thể đưa lên trang web của mình những bản vẽ tay, bản phác thảo hay những bức diễn họa vi tính cho các đồ án trước đây.

8) Lên danh sách

Với trang blog và website của riêng mình, bạn cần lên một danh sách email của những khách hàng tiềm năng. Hãy tận dụng nó để kết nối một cách trực tiếp với họ, cập nhật thường xuyên để giúp họ luôn nhớ tới bạn.

9) Đừng kén chọn

Dù là một quán ăn, một tiệm làm móng hay một dự án cải tạo nhỏ,... hãy đừng quá kén chọn với những dự án đầu tiên. Khi đã có một chút tên tuổi, bạn hoàn toàn có thể tập trung vào thể loại công trình sở trường thông qua các chiến lược quảng cáo, truyền thông để sàng lọc công việc.

10) Bước cuối cùng

Quan trọng hơn cả, hãy bắt đầu ngay!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 bước đi dành cho các startup trong lĩnh vực kiến trúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO