“Vẫn còn một khoảng trống giữa các bệnh viện đầu ngành về sản phụ khoa của TP và các bệnh viện đa khoa tuyến dưới”

HỒNG DUNG| 22/04/2017 08:54

KHPTO - Đó là nhận định của PGS. TS. BS. Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở y tế tại Hội nghị khoa học về “Thai kỳ nguy cơ cao và chẩn đoán trước sinh, lần 2”, do Bệnh viện Hùng Vương tổ chức tại TPHCM ngày 21/4 và 22/4/2017.

PGS. Chí Thượng, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị đã đưa ra 2 trường hợp của hai thai phụ bị biến chứng thai kỳ nguy cơ cao được cứu sống. Trường hợp thứ nhất, 9 giờ ngày 21/9/2016, các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận bệnh nhân đang mang thai 9 tháng trong tình trạng rất nguy kịch: co giật toàn thân, hôn mê, sùi bọt mép, huyết áp rất cao: 210/120 mmHg, sau đó ngưng tim, ngưng thở. Bệnh nhân này 20 tuổi, ở Hóc Môn, bị sản giật nặng và thai nhi dọa tử vong, các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất đã nhanh chóng hồi sức cấp cứu và “Báo động đỏ” đến Bệnh viện Hùng Vương do không thể chuyển viện được vì nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con trên đường chuyển.  Ngay lập tức, các bác sĩ của BV Hùng Vương đã có mặt ở BV Thống Nhất, chỉ sau hơn một giờ được bác sĩ của hai bệnh viện này phối hợp hồi sức cấp cứu, phẫu thuật lấy thai nhi, mẹ con bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Sản phụ sinh được một bé trai cân nặng 3,4kg trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình và các y, bác sĩ hai bệnh viện.

Và trường hợp thứ hai, sản phụ 28 tuổi, Lâm Đồng, mang thai tuần thứ 27 được BV Từ Dũ phát hiện thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp: tắc nghẽn dẫn truyền nhĩ thất độ 3, tim to, hở van 3 lá; thai nhỏ. BV xác định thai nhi có nguy cơ mất trong bụng mẹ hoặc khi vừa sinh ra. Ngày 20/2/2017, thai nhi có nguy cơ đe dọa tính mạng nên ê kíp BS sản của BV Từ Dũ đã thực hiện mổ bắt con, bé trai cân nặng 2,3 kg cho sản phụ. Tuy nhiên, lúc này nhịp tim của bé chỉ có 52 lần/phút (bình thường phải từ 110 - 160 lần/phút). Ngay tức thời, ê kíp can thiệp tim mạch của BV Nhi đồng 2 đã mở ngực bệnh nhi và đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo để cứu sống bé, sau một ngày chuyển viện về BV. Nhi Đồng 2 điều trị, sức khỏe bệnh nhi  ổn định, nhịp tim bình thường trở lại.

PGS. Thượng nhận định: Qua hai trường hợp trên, cho thấy vẫn còn một khoảng trống giữa các BV đầu ngành về sản phụ khoa của TP và các BV đa khoa tuyến dưới trong thực hành liên quan đến thai kỳ nguy cơ cao, mặc dù 2 BV Từ Dũ và Hùng Vương đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Lắp đầy khoảng trống này vẫn là trách nhiệm hàng đầu của BV Từ Dũ và BV Hùng Vương  - 2 bệnh viện sản khoa đầu ngành của phía Nam và TP.

TS.BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc BV Hùng Vương, cho biết chẩn đoán trước sinh là một trong những xét nghiệm không thể thiếu trong quá trình theo dõi thai kỳ. Ngày càng có nhiều kỹ thuật hiện đại hơn, ít xâm lấn hơn trong sàng lọc trước sinh. Góp phần phát hiện nhiều dị tật của thai nhi. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng trong mọi trường hợp không dễ dàng, thuận lợi cho các bác sĩ sản khoa, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh… đưa ra những kết luận và quyết định can thiệp.

“Hội nghị lần này, sẽ tạo thêm những cơ hội những nhà sản phụ khoa, những nhà chẩn đoán hình ảnh những nhà di truyền y học, có thể ngồi lại với nhau để chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và nhất là có tiếng nói chung  để giúp cho người bệnh ngày càng được tốt hơn  và đặc biệt là những thai kỳ được mẹ tròn con vuông”, BS, Diễm Tuyết nói.

Hội nghị lần này đưa ra những vần để còn nhiều tranh luận về thai kỳ nguy cơ cao và chẩn đoán tiền sản như tầm soát và xử lý dự phòng tiền sản giật những trường hợp chẩn đoán tiền sản còn nhiều băng khoăn trong những bất thường về thai nhi về thần kinh của thai nhi. Với 14 bài báo cáo từ các chuyên gia đầu ngành về sản khoa của TPHCM, Hà Nội và nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vẫn còn một khoảng trống giữa các bệnh viện đầu ngành về sản phụ khoa của TP và các bệnh viện đa khoa tuyến dưới”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO