“Nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay chính là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao”

H. PHƯƠNG| 29/10/2018 05:23

KHPTO - Đó là phát biểu của bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định ở hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời kỳ 4.0” do Bộ NN&PTNT, Bộ giáo dục và đào tạo, Học viện nông nghiệp Việt Nam vừa phối hợp tổ chức ở Hà Nội vừa qua.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các Hiệp định thương mại tự do (FTAs)... vừa tạo ra cơ hội mới, nhưng cũng có nhiều thách thức cho doanh nghiệp và người sản xuất phải đối mặt. Đồng thời, với xu hướng đô thị hóa đang phát triển rất nhanh như hiện nay, đã giúp cuộc sống và thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, kéo theo đó là yêu cầu tiêu chuẩn sống của người dân ngày một cao. Xuất phát từ thực tiễn đó, sản xuất nông nghiệp ngày nay đòi hỏi phải vừa tiết kiệm tài nguyên đất, nước lại vừa phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm... Do đó, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là một hướng

đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng cần chú trọng vào giải pháp tăng cường liên kết chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, cùng sự đóng góp của công nghệ 4.0 trong việc giải phóng giá trị và nâng cao năng suất ngành nông nghiệp.

Cũng theo bộ trưởng, để phát triển nguồn nhân lực cần chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị; chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề để cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao. Song song đó, còn phải đổi mới phương pháp đào tạo nghề, tập trung đào tạo năng lực thực hành, những kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi và các kỹ năng mềm để thích ứng và phát huy trong môi trường công nghệ hiện đại; từng bước đưa các công nghệ mới đặc thù trong nông nghiệp (như: công nghệ sinh học, công nghệ số, tự động hóa, cơ khí chính xác, vật liệu mới...) vào

các chương trình đào tạo dài hạn; đào tạo theo hướng liên ngành, đa ngành, xuyên ngành; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất thông minh; nông nghiệp thông minh...; ngoài ra, còn phải quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt, đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động. Đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy. Nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

Thực hiện chỉ đạo của bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đã có nhiều địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện, nhất là từ sau khi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ tại một số tỉnh thành trên cả nước mang lại hiệu quả kinh tế cao như tại Lâm Đồng, Kiên Giang, Bắc Ninh...

Riêng tại TP.HCM - đô thị lớn nhất nước có nền nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học về nghiên cứu và sản xuất giống vật nuôi, cây trồng từ thuận lợi về nền khoa học công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, lực lượng cán bộ khoa học có trình độ cao. Xác định những điểm thuận lợi đó, UBND TP.HCM đã ra Quyết định số 6150/QĐ-UBND ngày 24/11/2016 về phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 đã nêu rõ những nội dung và định hướng của việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay chính là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO