“Expire date” - khi nào thuốc hết hạn dùng?

TS. dược khoa NGUYỄN HIỀN| 24/10/2008 20:47

Khi mua thuốc theo toa, ít người để ý đến ngày hết hạn ghi trên bao bì. Nhưng khi mua thuốc trị bệnh mãn tính hay thuốc thông thường để dành sẵn trong nhà thì người ta lại thường chú ý đến ngày hết hạn (expire date). Ngày hết hạn ghi trên hộp thuốc trong vài trường hợp, có thể gây nên tranh cãi. Ngày cuối năm, mua một hộp thuốc, thấy đề hạn dùng: 12/2008. Hỏi cô bán hàng, được cô trả lời: 12/2008 có nghĩa là tới cuối ngày 31/12/2008 thuốc mới hết hạn. Mặt khác, nhân viên trong nhà thuốc, khi kiểm kê thường kỳ, vào dịp cuối năm, phát hiện một số thuốc đề ngày hết hạn 1/2009. Làm sao đây? Hủy thuốc, hay ráng tìm cách tiêu thụ trước ngày 31/1/2009? Trên thực tế, hai trường hợp này không phải là ít xảy ra.

Bài 1: Ngày hết hạn được thiết lập như thế nào?

Khi mua thuốc, ít người để ý đến ngày hết hạn ghi trên bao bì. Thứ nhất, họ tin tưởng vào dược sĩ và nhân viên nhà thuốc, là những người đòi hỏi phải có một trình độ chuyên môn nhất định và có lương tâm chức nghiệp. Thứ hai, thuốc mua thường là thuốc ghi trong toa, hoặc vì đang khi cần, có nghĩa là người bệnh sẽ dùng ngay, và như thế, ngày hết hạn (nếu nhà thuốc không bán thuốc “quá đát”) với họ trong đại đa số trường hợp không quan trọng bằng việc cần kíp là làm sao hết bệnh. Nhưng khi mua thuốc trị bệnh mãn tính, hay mua thuốc cảm cúm, thuốc ho, thuốc đau bụng tiêu chảy… để dành sẵn trong nhà thì người ta lại thường chú ý đến ngày hết hạn (expire date), để có thể trữ thuốc càng lâu càng tốt, tuy rằng không hiếm trường hợp khi cần dùng mới phát hiện là thuốc đã quá hạn sử dụng. Không ít người “tự nguyện” uống thuốc quá hạn, vì lý do khẩn cấp hoặc vì… tiếc của.

Trong tiến trình chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép lưu hành thuốc, hai việc quan trọng sau cùng là nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu độ ổn định của thuốc. Nghiên cứu độ ổn định có mục đích xác định thời hạn bảo quản (tuổi thọ) của thuốc. Từ lô thuốc sản xuất để thử, một số mẫu thành phẩm được lấy ra và bảo quản trong những điều kiện nhiệt độ và độ ẩm được giữ ở mức cố định. Theo một lịch thử nghiệm đã định sẵn, những mẫu này sẽ được mang ra kiểm nghiệm. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, người ta có thể xác định dược phẩm đó có thể để được bao lâu, và trong điều kiện nào để chất lượng (tức công dụng) của thuốc vẫn còn được đảm bảo. Trong đại đa số trường hợp, hàm lượng hoạt chất trong thuốc sẽ giảm theo thời gian do biến chất, tuy nhiên sự giảm hàm lượng này, ở một mức độ cho phép, không ảnh hưởng đến hoạt lực của thuốc trong sử dụng thực tế. Trong sản xuất dược phẩm, một nguyên tắc được nhiều người chấp nhận là nếu hàm lượng thuốc giảm hơn 5% (hay 10% trong trường hợp dược phẩm chứa hoạt chất dễ bị phân hủy) thì thuốc không được coi là còn đầy đủ hoạt tính. Ngoài hàm lượng, người ta cũng kiểm tra những đặc tính vật lý của thuốc (màu sắc, độ cứng của viên thuốc, độ hòa tan…) và thử độ nhiễm vi sinh, hư thối… trong suốt thời gian nghiên cứu độ ổn định, để xem thuốc có còn đạt những yêu cầu định tính và định lượng đã được đề ra hay không. Từ những kết quả này, thời hạn bảo quản được xác định với ý nghĩa công ty được cấp giấy phép lưu hành đảm bảo chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc trong suốt thời hạn bảo quản ghi trên bao bì.

Trong giai đoạn phát minh (hay sáng chế, cải tiến) một dược phẩm, mọi công ty đều nỗ lực làm thế nào để sản phẩm mới này đạt được một thời hạn bảo quản tối thiểu 3 năm. Thời hạn 3 năm được xem là lý tưởng, xét trên bốn mặt: quản lý kế hoạch sản xuất, tồn kho, độ tin cậy của khách hàng (thuốc mua về còn để được 1, 2 năm), đảm bảo tối đa phẩm chất trong sử dụng (hàm lượng hoạt chất vẫn còn đầy đủ khi bệnh nhân dùng thuốc, mặc dù thuốc không được bảo quản đúng y theo chỉ dẫn trên nhãn hộp, vì thuốc thường được tiêu thụ hết trước ngày hết hạn rất xa).

Theo lý thuyết, không phải cứ đến đúng ngay ngày hết hạn là thuốc không còn hiệu lực hoặc hư hỏng… vì nhà sản xuất bao giờ cũng nghiên cứu xác định “trừ hao” để cho thuốc còn giữ nguyên phẩm chất nhiều tháng, năm sau đó. Trên thực tế, có rất nhiều dược phẩm có thể để được 5, 10 năm hay hơn nữa mà vẫn còn đủ tác dụng (sản phẩm vẫn còn đạt yêu cầu chất lượng ghi trong hồ sơ đăng ký), nhưng để có được một công nhận cho hạn này, chi phí bỏ ra (chi phí để kéo dài cuộc nghiên cứu độ ổn định thêm từ 2 đến 5 năm, thủ tục bổ túc hồ sơ đăng ký, chi phí kiểm nghiệm theo dõi chất lượng những lô thuốc sản xuất và chi phí lưu giữ hồ sơ sản xuất lô thuốc trong một thời gian dài hơn) có thể không tương xứng với phần lợi thu được. Bên cạnh đó, có được một thời hạn bảo quản dài không hẳn sẽ mang lại thêm lợi nhuận cho công ty, mà còn có thể có hiệu ứng ngược (doanh số giảm và chôn vốn lâu quá…). Công ty do đó chỉ giữ những số liệu về độ ổn định sau 3 năm trong hồ sơ tra cứu riêng, mà không kèm vào hồ sơ đăng ký để xin hạn bảo quản 5 hay 10 năm. Nhưng cũng có khi, vì lý do chiến lược, công ty có thể thiết lập nhiều hồ sơ đăng ký xin giấy phép lưu hành một dược phẩm dưới nhiều tên gọi khác nhau. Tuy thực chất chỉ là một, nhưng bao bì, mẫu mã khác nhau và tuổi thọ được đăng ký cũng khác nhau (xí nghiệp tôi đang phục vụ có sản xuất một mặt thuốc mang 3 tên khác nhau với thời hạn bảo quản 3, 4 hoặc 5 năm tùy theo tên sản phẩm được cấp phép lưu hành, dù cả 3 đăng ký trong một quốc gia).

Hạn sử dụng bao giờ cũng đi đôi với điều kiện bảo quản. Bảo quản thuốc không đúng chỉ dẫn ghi trên bao bì có thể làm thuốc bị biến chất (thí dụ để thuốc nơi quá nóng có thể làm thuốc kem bị vữa, hay vón cục, quá lạnh có thể làm đường trong thuốc xi rô kết tủa, vỉ thuốc để nơi quá ẩm có thể bị hư do hơi nước ngấm qua làm rã viên thuốc…). Ngoài ngày hết hạn ghi trên hộp, ở một số dạng dược phẩm (thuốc nước, thuốc nhỏ mắt, thuốc tiêm dùng nhiều lần…) còn có thêm một hạn sử dụng áp dụng cho hộp thuốc sau khi đã khui ra. Hạn này có thể chỉ trong 1 ngày, nhưng thường là 1 tuần hay 1 tháng. Sau thời hạn này, không phải thuốc giảm, hay mất hoạt tính, mà là do thuốc có thể bị bội nhiễm vi khuẩn, nấm mốc… Hạn sử dụng này được xác định bởi sự nghiên cứu độ ổn định trong quá trình sử dụng. Trong thử nghiệm này, chai thuốc được mở ra đóng lại nhiều lần, mỗi lần 1 liều thuốc được lấy ra theo một lịch trình như thể bệnh nhân sử dụng.

Tất cả những điều trên cho thấy, trong phần lớn trường hợp, thuốc sau ngày hết hạn vẫn còn đạt tiêu chuẩn chất lượng cần thiết cho mục đích trị liệu. Nhưng pháp luật thì phân định rõ ràng: cơ sở được cấp giấy phép lưu hành chịu trách nhiệm về chất lượng nếu thuốc được sản xuất và bảo quản đúng theo hồ sơ và chỉ dẫn, xí nghiệp sản xuất chịu trách nhiệm về quy trình thao tác sản xuất, người bán chịu trách nhiệm về sản phẩm bày bán trong cửa hiệu (nhà thuốc), còn bệnh nhân không thể khiếu nại về những hậu quả gây nên do cố ý sử dụng thuốc đã quá hạn.

(Còn tiếp)

TS. dược khoa NGUYỄN HIỀN

(Hà Lan)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Expire date” - khi nào thuốc hết hạn dùng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO