“Cảm ơn mẹ đã sinh ra con thêm một lần nữa!”

HỒNG DUNG| 27/06/2020 21:19

KHPTO - Tại phòng cách ly sau ghép, chị N.T.P.T. (27 tuổi) nghẹn ngào nói lên nguyện vọng của mình ngay sau khi vừa cùng mẹ trải qua một cuộc phẫu thuật lớn. Thương con gái chẳng may bị suy thận giai đoạn cuối, bà N.T.M.P. (51 tuổi) - người đã một đời tần tảo khi vừa là mẹ, vừa là cha đã không chút ngần ngại hiến thận để cứu sống con của mình.

Khi được hỏi về quyết định hiến thận cho con gái của mình, bà P. ngậm ngùi: “Đối với một người mẹ, chẳng có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau chứng kiến những cơn đau của con. Lúc biết T. bị bệnh nặng, trong tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất đó là làm sao có thể cứu con. Dù bệnh tật làm con bé ngày một xanh xao, nhưng T. vẫn luôn lạc quan, động viên tôi đừng quá lo lắng. Thật may mắn khi tôi có thể hiến thận cho con, chỉ cần con được sống khỏe mạnh thì dù nỗi đau hay sự mất mát nào tôi cũng có thể chịu đựng được. Chỉ mong sau này con quý trọng sức khỏe, sống tiếp một cuộc đời hạnh phúc, có ích cho gia đình và xã hội”.

ThS.BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo, trưởng khoa nội thận - thận nhân tạo Bệnh viện đại học y dược (BV ĐHYD) TP.HCM chia sẻ: “Mặc dù đã được chuẩn bị kỹ càng về mọi phương diện kỹ thuật, cơ sở vật chất, nhưng chúng tôi không khỏi hồi hộp theo dõi từng diễn tiến của ca ghép này. Xúc động trước nghĩa cử lớn lao của người mẹ cũng như mong muốn mang lại cho người bệnh chất lượng sống tốt nhất, chúng tôi luôn trăn trở, bàn bạc cùng ê kíp sao cho cả hai mẹ con được an toàn và có chức năng thận tốt nhất có thể. Chúng tôi tự nhủ không cho phép có một sai lầm nhỏ nào”.

Sau khi cân nhắc nguyện vọng của người mẹ và phương án an toàn cho cả hai mẹ con, hội đồng ghép thận do ban giám đốc BV ĐHYD TP.HCM chỉ đạo đã quyết định lấy thận bên phải của người mẹ để ghép cho người con. Vấn đề nang ở thận trái của người mẹ nếu có dấu hiệu bất ổn sẽ tiến hành can thiệp sau này. Đây cũng đồng thời là thử thách cho ê kíp mổ về mặt kỹ thuật vì việc lấy và ghép thận bên phải phức tạp hơn so với bên trái. GS.TS.BS. Trần Ngọc Sinh cho biết: “Tĩnh mạch thận phải rất ngắn, cần phải dùng một đoạn tĩnh mạch lấy từ nơi khác tạo hình làm dài tĩnh mạch thận thì mới ghép được. Thời gian qua chúng tôi có nhiều nghiên cứu giải pháp đơn giản và an toàn hơn cho vấn đề trên, đó là áp dụng kỹ thuật chuyển vị mạch máu khi ghép thận phải vào hốc chậu phải. Thực hiện kỹ thuật này đòi hỏi sự tinh tế, phức tạp hơn về phẫu thuật nhưng tỷ lệ biến chứng hậu phẫu ít hơn so với các phương pháp khác. Sau mổ 14 ngày, các chỉ số chức năng thận của người con đã trở về mức bình thường”.

Với sự chỉ đạo, điều phối của ban giám đốc và sự nỗ lực của ê kíp ghép thận BV ĐHYD TP.HCM, sau phẫu thuật, sức khỏe của hai mẹ con chị T. đều ổn định. Sau ca ghép 5 ngày, bà P. được xuất viện trở về quê nhà với chỉ số creatinin - huyết thanh (chỉ số đánh giá chức năng thận) ở mức bình thường, còn chị T. vẫn được tiếp tục theo dõi tại phòng cách ly tuyệt đối.

Theo các bác sĩ, ghép thận là phương pháp tốt nhất trong các phương pháp điều trị thay thế thận bị suy giai đoạn cuối. Nếu như chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng là các phương pháp giúp duy trì sự sống cho người bệnh thận mạn giai đoạn cuối, thì ghép thận có ưu điểm là mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, giúp người bệnh có thể “tái hòa nhập” vào sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng xã hội, đồng thời trở lại làm việc gần như bình thường thay vì phải lệ thuộc vào máy lọc và các hệ thống lọc phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cảm ơn mẹ đã sinh ra con thêm một lần nữa!”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO